Phương thức huấn luyện

0

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

I. Nguyên tắc và mục đích

1. Nguyên tắc: Trong việc huấn luyện có hai tác nhân:

Tác nhân thứ nhất là Chúa Thánh Thần, Ngài là tác nhân chính vì Ngài thánh hóa, dạy dỗ và biến đổi con người huấn sinh. Thực tế, có lẽ còn nhiều thiếu sót vì các nhà huấn luyện cũng như các huấn sinh thường quên đi vai trò của Chúa Thánh Thần hoặc chưa chú tâm đủ. Cụ thể, qua những lần tuyển sinh hay những lần bỏ phiếu, thường chúng ta chỉ loay hoay với những tiêu chuẩn: tuổi tác, khả năng, trình độ học vấn, những gì liên quan đến tội và phúc.

Tác nhân thứ hai là huấn sinh, chính huấn sinh đáp trả từ chính nội tâm tiếng gọi của Thiên Chúa. Việc huấn luyện thành công hay không là do sự nỗ lực của chính huấn sinh. Việc huấn luyện sẽ mất đi hiệu quả của nó, nếu không có sự tự huấn luyện của huấn sinh. Chính vì thế, Đức Gioan Phaolô II đã nhắc nhở rằng chính huấn sinh là nhân tố cần thiết và không thể thay thế được trong việc huấn luyện của chính mình: “Tự huấn luyện là tối quan trọng trong tất cả mọi công cuộc huấn luyện. Không ai có thể thay thế ứng sinh trong sự tự do có trách nhiệm mà ứng sinh có được như là những nhân vị độc đáo” (x. Gioan Phaolo II, Pastores Dabo Vobis, số 69).

Tự huấn luyện là yếu tố quyết định đưa tới thành công trong việc huấn luyện, nhất là huấn luyện thiêng liêng. Mặc dù Chúa Thánh Thần là tác nhân tuyệt hảo trong việc huấn luyện này, huấn sinh phải hoàn toàn tự do đón nhận tác động định hình của Ngài. Cũng thế, hoạt động của các nhà huấn luyện khác nhau sẽ chỉ trở nên thực sự và đầy đủ hiệu quả, nếu huấn sinh cống hiến sự cộng tác chân thành và xác tín của mình vào công cuộc huấn luyện này. Sự cộng tác chặt chẽ giữa hai phía, huấn luyện và tự huấn luyện, là điều kiện tiên quyết cho mọi thành công, và dĩ nhiên với ơn Chúa nữa. Vì thế, Pastores Dabo Vobis đòi hỏi: “Các ứng sinh… phải hết sức ý thức chuẩn bị chính mình để đón nhận ơn Chúa và đem ra thực hành, biết rằng Giáo Hội và thế giới đang rất cần đến họ” (số 82).

Thường thường huấn sinh thiếu sự tự huấn luyện, vì thế trở nên một cái máy hoặc khi có người huấn luyện thì làm rất tốt, còn khi không có thì không làm, sống đối phó, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Người huấn luyện chỉ là trung gian, người hướng đạo, trợ giúp, khích lệ, thúc đẩy. Hai từ trung gian một mặt giúp người thụ huấn hiểu rõ tầm quan trọng không thể thay thế của việc trung gian, và mặt khác thì giúp họ hạn chế những kỳ vọng không thực tế và có tính cầu toàn mà họ đặt nơi những người trung gian này.

Hiện nay có những người trẻ thích tự lập ngay cả trong lãnh vực tâm linh. Họ cảm thấy không cần bất cứ trung gian nào để có thể nhận biết thánh ý Chúa. Họ từ chối các trung gian, vì họ nghĩ rằng những trung gian ấy quá khắt khe hoặc họ đòi hỏi những người hướng dẫn phải hoàn hảo và có khả năng. Nhưng phải biết rằng những tác nhân trung gian trong việc huấn luyện tự bản chất thì bất toàn. Thiên Chúa thường can thiệp với những công cụ bình thường. Chấp nhận logic này tức là để cho Thiên Chúa huấn luyện trong mọi giây phút của cuộc đời.

Quan niệm Á Châu “không thầy đố mầy làm nên” được hiểu trong một tầm cao mới là thầy phải kích thích cho được tính chủ động của trò: nếu không có sự thực hành của trò thì những giáo huấn và lý thuyết của thầy chỉ là những lời hoa mỹ thôi. Điều rất quan trọng là việc huấn luyện phải cung cấp cho huấn sinh cách suy nghĩ mới, cách sống mới, cách hành động mới, cách yêu thương mới và cách làm chứng mới cho Tin Mừng. Trên thực tế, người huấn luyện đóng một vai trò quan trọng, đôi khi lấy đi chỗ đứng của Chúa Thánh Thần và cả huấn sinh.

2. Mục đích: Việc huấn luyện có hai mục đích rõ ràng và không thể thiếu được.

– Biến đổi từ một cô gái thành một nữ tu. Biến đổi tất cả con người từ não trạng đến tình cảm. Làm thế nào các huấn sinh, sau thời gian huấn luyện, có được cái nhìn như chính Đức Kitô, vị Thầy của mình, có được cảm nghĩ, hành động như Đấng mà mình mỗi ngày một trở nên đồng hình đồng dạng.

– Một nữ tu hạnh phúc với căn tính của mình: ở đâu cũng là nữ tu, theo ngôn ngữ thời nay đó là tu từ đầu đến chân. Không phải chỉ tu khi ở trong nhà Dòng, còn về nhà quê thì hết tu. Có những trường hợp khi ra khỏi nhà Dòng, ăn mặc chưa đúng tư cách là một nữ tu. Làm sao phải huấn luyện thành người nữ tu trưởng thành.

II. Những lý do cần phải huấn luyện:

Có hai lý do cho thấy việc huấn luyện là cần thiết trong đời tu.

1. Tự trong bản tính, nhân loại đã bị ô nhiễm bởi Tội nguyên tổ

Trước tội nguyên tổ: Lý trí đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa để nhìn vạn vật, những ý tưởng hòa hợp với nhau, mỗi ý tưởng sinh ra tình cảm, cảm xúc hòa hợp thúc đẩy ý chí quyết định làm những hành động này, hành động khác, tất cả đều xuất phát từ Chúa và trở về với Thiên Chúa.

Sau tội nguyên tổ: Lý trí con người không nhận biết ánh sáng của Thiên Chúa do những dục vọng. Lý trí sẽ nhìn trực tiếp vào các tạo vật, không qua ánh sáng của Thiên Chúa, do đó có những ý tưởng mâu thuẫn, tình cảm mâu thuẫn. Trong ý tưởng chúng ta yêu thương hết mọi người, nhưng trong hành động thì lại loại trừ người khác, tình cảm thúc đẩy con người quyết định, khi quyết định sai thì sẽ hối hận. Hành động là kết quả của quyết định, khen mà mỉa mai, nói hiệp nhất nhưng lại chia rẽ.

Ví dụ những điểm yếu, điểm mạnh do hoàn cảnh gia đình. Có người sinh ra đã có vấn đề, như một em bé khi thấy mẹ sắp sinh em bé, khi được hỏi… Em trả lời không thích em bé, vì khi có thêm em bé, ba mẹ thương em bé hơn… Đó chúng ta thấy ngay từ nhỏ bóng dáng của ghen tương đã xuất hiện!… Rồi tâm tư tình cảm của người mẹ khi thụ thai, bầu khí trong gia đình, tình cảm với chồng…làm nên nhân cách con người trong giây phút đầu. Có những bầu khí đưa đến sự khiêm nhường, có những bầu khí sinh ra sự kiêu căng là thế…

2. Đòi hỏi của Chúa thường vượt trên khuynh hướng tự nhiên

Theo lời mời gọi nên thánh của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rằng ơn gọi thánh hiến đòi hỏi thanh thoát tất cả, tương đối hóa tất cả để chỉ thuộc về Chúa mà thôi.

  • Muốn theo Chúa, phải thanh thoát mọi sự Mc 10, 17-27.
  • Muốn theo Chúa phải thay đổi não trạng Mc 6, 30-44: phân tích sẽ thấy những điều không hợp lý nhưng Chúa bảo các môn đệ phải làm. Lý do của Chúa.
  • Muốn theo Chúa phải thay đổi tất cả, vì thế nếu không luyện thì không thể thay đổi.

Từ việc đưa ra mục đích của việc huấn luyện và những lý do cho thấy việc huấn luyện là cần thiết, chúng ta cần nhìn lại các chương trình huấn luyện của mỗi Dòng.

III. Nhận xét về các chương trình huấn luyện

Nhồi nhét kiến thức và dựa vào chương trình, điều lệ. Có “huấn” mà không có “luyện”, nghĩa là chúng ta để dành thời gian cho các em học hiểu trên lý thuyết, còn thời gian thực hành dường như thiếu vắng trong chương trình huấn luyện.

Một số nhà huấn luyện theo quá sát các em trong mọi công việc, thử hỏi đâu là khoảng không để các em thể hiện những sáng kiến hoặc áp dụng những điều đã được học hỏi.

Ví dụ khi chúng ta dạy các em lời khấn khó nghèo, chúng ta có dám trao cho các em một số tiền để xem các em chi tiêu thế nào, và qua việc chi tiêu đó giúp các em biết cách sử dụng của cải cách thực tế hơn. Hoặc dạy cho các em nấu một món ăn, phải để cho các em tự mình làm, khi các em không làm được, nhà huấn luyện cần động viên, giúp đỡ, chứ không phải lúc nào cũng bên cạnh các em. Nên để cho các em có những sáng kiến trong mọi công việc.

Xin chia sẻ nơi đây cách huấn luyện Dòng bạn. Khi giao cho huấn sinh một công việc, nhà huấn luyện tin tưởng và can đảm để huấn sinh tự mình làm thế nào để chu toàn tốt công việc. Nếu khi nào huấn sinh gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ của nhà huấn luyện, lúc đó nhà huấn luyện sẽ cho lời khuyên, sẽ là cố vấn. Điều này cho thấy nhà huấn luyện tôn trọng huấn sinh của mình, còn huấn sinh ý thức trách nhiệm của mình hơn.

Việc huấn luyện hướng đến sự phát triển toàn diện gồm những khía cạnh căn bản: nhân bản, thiêng liêng, trí thức, tông đồ và cộng đoàn. Cả năm khía cạnh này được coi như hằng số xuyên suốt các giai đoạn huấn luyện cơ bản: ứng sinh, nhà tập và học viện. Nhưng thực tế chương trình huấn luyện có giúp các huấn sinh phát triển cả 5 khía cạnh này chưa?

Comments are closed.

phone-icon