Dưới Đôi Cánh Thiên Thần – Chương 17

0

Bn t thut ca
SISTER MARIA ANTONIA

 Chuyn ng: Sr. Têrêsa Thơm Nguyn, OP. 

 Các đân phi thường và nhng mc khi nơi n tu Maria Antonia (Cecy Cony) đã đượĐc Thánh Cha Urbano VII công nhn trong phm vi nhân linh. Mđiu trong sách nàđđượđt dưới phán quyết ca Hi Thánh Công Giáo.

 Đã được phép Nhà Xut Bn TAN BOOKS AND PUBLISHERS, dch sang tiếng Vit ngày 28-08-2001.

Chương XVIINGÀY LỄ CHÚA THÁNH THẦN

Tôi không nhớ chính xác biến cố này xảy ra năm nào, chỉ nhớ rằng trước năm 1911. Tôi rất thán phục một ông thiếu tá nọ là bạn của cha tôi. Nhiều lần tôi nghe cha tôi ca ngợi sự dũng cảm, ngay thẳng, công bình, không thiên vị và nhiệt thành trong công tác của ông. Hằng năm, gần đến ngày lễ Chúa Thánh Thần – ngày lễ Thánh Bảo Trợ của tỉnh Jaguarao – một người có thói quen đi diễu hành với biểu ngữ Chúa Thánh Thần qua các đường phố. Người ta tổ chức quyên góp để lo vào việc chi phí trong ngày lễ này. Không nhà nào bất luận giàu hay nghèo, không tổ chức nào kể cả tư nhân hay quốc doanh mà không đi dưới biểu ngữ để nhận sự đóng góp và phúc lành của Chúa Thánh Thần. Trong gia đình tôi, tôi luôn là người được mời đi diễu hành dưới biểu ngữ ấy. Khi tôi bỏ phần đóng góp của cha tôi vào thùng, tôi cũng luôn bỏ vào đó phần tiền riêng của tôi nữa, vì tôi muốn mình cũng đóng góp. Cuối cuộc thăm viếng, tôi thường hôn biểu ngữ thêu hình con chim câu trắng. Tấm biểu ngữ này được rước đi khắp thành phố và các vùng lân cận trong 3 ngày.

Theo thói quen, biểu ngữ Chúa Thánh Thần thường được rước vào trong các trại lính, trại này nằm đối diện với quảng trường chính gọi là “Quảng trường trại lính.” Khi cuộc rước biểu ngữ đang được cử hành ở quảng trường và sẽ tiến vào trại, thì một thiếu tá sai một thiếu uý đến nói với nhóm người đi rước rằng họ phải trở ra, vì biểu ngữ không được đón rước vào trại. Tin này lan đi nhanh chóng. Tại nhà tôi, mọi người đang bàn tán và bình phẩm về việc này. Lần đầu tiên tôi nghe cha tôi kết án việc làm của người bạn này.

Với tôi, sự việc này ghi vào ký ức. Tôi không hiểu tại sao ông thiếu tá lại xử như vậy. Tôi hình dung ngay cảnh biểu ngữ Chúa Thánh Thần bị cấm không được đem vào trại lính. Tôi rất buồn vì Chúa Thánh Thần bị xúc phạm, nên tôi nghĩ cách để Chúa Thánh Thần được vinh dự tiến vào trại lính ở Jaguarao. Tôi thương những người lính, họ đã bị mất cơ hội làm vinh danh Chúa Thánh Thần và nhận phép lành đặc biệt của Người.

Cả ngày hôm đó tôi rất buồn. Đêm đến, tôi nằm trên giường và khóc thảm thiết. Ngày lễ Chúa Thánh Thần đã tới, và sự xao xuyến của tôi cứ gia tăng bởi vì tôi không nghĩ ra cách nào để có thể đem đến niềm vui trong ngày lễ của Ngài. Chỉ còn một tuần nữa thôi. Tôi cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều, xin Chúa soi sáng cho tôi biết điều phải làm.

Một tối kia, khi tôi đã lên giường và đèn đã tắt, nỗi buồn sâu xa vì Chúa Thánh Thần bị người ta từ chối đón rước tại đó. Tôi khóc nức nở, cay đắng tràn ngập tâm hồn mặc dù tôi vẫn còn nhỏ. Tôi tin rằng nếu lúc đó tôi được bảo rằng : “Bạn sẽ đem lại niềm vui cho Chúa Thánh Thần trong ngày lễ của Người nếu bạn sẵn sàng chết bằng cách thức dã man nhất, thì tôi cũng không từ chối.” Ước mong làm Chúa Thánh Thần được vinh danh dâng cao đến nỗi tôi sẵn sàng đền những tội người ta đã sỉ nhục Người. Tôi vẫn còn khóc thì bỗng nhiên đôi tay “Người Bạn Mới” đặt trên tôi, tôi hiểu người muốn giúp tôi.

Nước mắt ngừng rơi và niềm vui ngọt ngào tràn ngập tâm hồn tôi đến nỗi tôi không còn nghĩ mình đang ở trần gian, nhưng là ở Thiên đàng. Tôi chìm vào giấc ngủ. Ngày hôm sau, ước muốn làm cái gì đó để vinh danh Chúa Thánh Thần lại dâng cao trong tôi. Niềm an ủi tôi nhận được nơi “Người Bạn Mới” đã không lấy đi sự ước ao làm vinh danh Chúa Thánh Thần. Tuy vậy, tôi không nghĩ ra điều “Người Bạn Mới” xin nơi tôi, trước lễ Chúa Thánh Thần 3 ngày.

Sáng hôm ấy trong bữa điểm tâm, đôi tay “Người Bạn Mới” đặt trên đầu tôi. Tôi nghe có tiếng thì thầm : “Những người lính này rất đáng thương, đức tin của họ thật chân thành. Họ đã bị cướp đi niềm vui được lãnh nhận phúc lành của Chúa Thánh Thần.” Tôi nghĩ đây là một ý tưởng, nhưng ý tưởng này khác hẳn những ý tưởng tôi vẫn có. Đó là một ý tưởng đến từ giọng nói của một ai đó.

Rồi một ý tưởng khác lại đến với tôi, tôi sẽ hỏi xin mỗi người lính phần đóng góp cho ngày lễ. Đáp lại, tôi sẽ tặng họ món quà nhỏ là hôn kính mẫu ảnh Chúa Thánh Thần (mẫu ảnh tôi đã lãnh nhận vào dịp lễ năm ngoái). Nhưng tôi lại bị một ý tưởng khác ngăn cản : “Tôi sẽ rất xấu hổ nếu làm việc này ! Nó giống như việc làm của những người ăn mày, vì mỗi khi gặp một ông lính, tôi sẽ chặn lại để xin tiền.” Đáp lại ý tưởng khác xuất hiện : “Cho dẫu việc này làm bạn ngượng ngùng, nhưng bạn hãy làm để làm vinh danh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Người.” Vì thế, tôi phải bắt đầu ngay hôm nay, nếu không sẽ không đủ thời giờ để thâu góp tiền cho cha sở trước ngày lễ.”

Chiều hôm đó, sau khi uống cà phê, tôi xin phép cha ra tiệm mua một đôi giày trắng mà cha tôi đã định mua cho tôi đi trong dịp lễ. Nhân cơ hội này, tôi có thể gặp được nhiều người lính. Tôi đi xuống tiệm và đứng đợi ở góc đường. Tôi thấy một ông lính đi tới, tim tôi bắt đầu đập mạnh, tôi cảm thấy ngượng ngùng. Lúc này, tôi mong rằng ông lính biến đi vì tôi quá xấu hổ, nhưng bàn tay thánh nhẹ nhàng đặt trên vai tôi. Điều này làm tôi phấn khởi và quên đi mọi lo âu. Ông chỉ còn cách tôi ba bước, ông lính này chính là người mà Chúa Thánh Thần đã dẫn đến cho tôi.

Tôi nói : “Xin lỗi, thưa ông.” Thái độ lịch sự và tốt lành của ông lính khiến tôi an tâm, nên tôi đã bắt chuyện với ông bằng những lời đã chuẩn bị trước : “Tôi cảm thấy rất buồn là ông thiếu tá đã không cho phép rước biểu ngữ Chúa Thánh Thần vào trong các trại lính.” Đến đây, tôi thấy trên mặt ông lính thoáng nét ngạc nhiên, tôi tiếp : “Vì thế các ông đã không thể dâng quà hay kính chào biểu ngữ. Tôi muốn hỏi các ông xem các ông có muốn dâng tặng gì không. Tôi sẽ nhận tất cả và mọi cái mà các ông dẫn để đem cho cha sở trước ngày lễ đó.”

Người lính tốt lành này lập tức mở túi áo, và lấy ra một số tiền và nói : “Cô bé ơi, đây là phần đóng góp của tôi.” Ông không những cho tôi vài xu nhưng ông đã cho trọn một đồng. Tôi sung sướng đến nỗi đưa luôn mẫu ảnh cho ông. Mãi lúc sau tôi mới nhớ rằng mình không có mẫu ảnh cho người lính kế tiếp hôn kính nữa.

Cuộc thu góp của tôi hôm ấy được 30 đồng và vài xu lẻ. Đối với tôi đây là số tiền lớn. Những người lính tôi gặp tối thiểu cũng cho một đồng, vài người cho tới hai đồng. Khi về nhà, tôi gói số tiền này lại và để trong ngăn kéo. Tôi muốn đổi tiền cắc lấy tiền giấy để có thể bỏ vào bao thư và gửi cho cha sở trong ngày lễ. Tôi quyết định tới văn phòng ông Cerqueira để đổi tiền giấy. Nhưng chỉ có tờ 50 đồng thôi, như vậy tôi phải có thêm 20 đồng nữa. Lúc ấy, một ý tưởng đến với tôi : “Giá như tôi không mua đôi giày trắng, mà đi đôi giày đen đẹp nhất vào ngày lễ cũng được”. Nhưng như thế coi sao được nếu tôi bận áo trắng, đi vớ trắng mà lại mang giày đen !

Khi tôi mở ngăn kéo, lấy số tiền đã thâu góp bỏ vào túi giấy nhỏ thì đôi tay “Người Bạn Mới” đặt trên vai tôi, người như chờ đợi tôi điều gì đó. Đúng, dù cha tôi đã cho tôi 20 đồng để mua đôi giày trắng, nhưng tôi sẽ không mua. Vì thế, tôi đến xin cha tôi rằng tôi không mua đôi giày trắng nữa, nhưng cho tôi số tiền đó để giữ riêng. Đương nhiên, cha tôi đồng ý. Như vậy tôi có đủ 50 đồng để đổi ra tiền giấy.

Tôi đến nhà ông Cerqueira đổi tờ 50 đồng. Khi trở về, tôi để số tiền ấy vào phong bì, rồi đề bên ngoài : “Phần đóng góp của những người lính trong ngày lễ Chúa Thánh Thần.” Tôi tới nhà thờ nhưng chẳng thấy cha sở hay người giúp bàn thánh đâu cả, nên tôi để phong bì trong phòng thánh.

Chiều lễ vọng Chúa Thánh Thần, tôi cảm thấy rất vui khi nghe đọc tên những người dâng cúng : “Nhóm binh sĩ : 50 đồng.” Không ai biết được trong đó cũng có phần của riêng tôi. Đi đôi giày đen đến tham dự thánh lễ là tôi đã thông phần trong ngày lễ. Phần thưởng tôi nhận được hôm ấy chính là cuộc viếng thăm ngọt ngào của Chúa, Người tỏ ra rất hài lòng với người bạn nhỏ của Người. Người thích tôi đi đôi giày đen hơn đôi giày trắng. Tôi tận hưởng niềm vui ngọt ngào của “Người Bạn Mới” cả tuần sau nữa.

Comments are closed.

phone-icon