Huấn luyện – một thách đố

0

Trong những năm gần đây, chúng ta thấy xuất hiện nhiều tài liệu đề cập đến việc huấn luyện các tu sĩ trẻ trong thời đại hôm nay. Điều này cho thấy việc huấn luyện được nhiều người quan tâm. Thật vậy, huấn luyện đóng một vai trò quan trọng cho sự sống còn của một Hội dòng, do đó, chúng ta đã bỏ bao công sức, tài năng, tiền của để đầu tư cho việc huấn luyện. Các Bề trên thường hay nói tìm huấn luyện viên thật khó. Thật vậy, tìm người huấn luyện đã khó, nhưng chính việc huấn luyện lại còn khó hơn. Trước những thao thức của việc huấn luyện, xin gởi đến quý chị em những kiến thức và những góp nhặt vụn vặn, để cùng các chị em học hỏi thêm việc huấn luyện, nhằm giúp cho bản thân cũng như cho việc huấn luyện của Hội dòng mỗi ngày một tiến triển trong Thiên Ý. 

Trước tiên, huấn luyện là công việc của Thiên Chúa và con người, công việc của người đề xướng và người tiếp thu, được thực hiện trong một quãng thời gian đặc biệt dành cho việc huấn luyện và trong cả cuộc đời sau này của họ. Đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa tạo dựng và uốn nắn, và mầu nhiệm của một thụ tạo chấp nhận để cho mình được uốn nắn, với ít nhiều tự do và trách nhiệm, chúng ta cần khiêm tốn và thận trọng. Phải thú nhận rằng việc huấn luyện chạm đến phần rất phức tạp trong cả bước hình thành lẫn quá trình phát triển nhân cách của một con người.

Thứ đến, chúng ta tìm hiểu việc huấn luyện trong đời sống thánh hiến, vì đời sống này rất cao cả, cao cả không phải theo cái nhìn của cấp bậc, nhưng cao cả vì “là ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội qua trung gian của Chúa Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm, các nét đặc trưng của Đức Giêsu – Khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời” (Vita consecrata, số 1). Chính sự cao cả này đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau cộng tác và làm việc, cùng giúp nhau hoàn trọn ơn gọi thánh hiến trong lòng Giáo hội. Bên cạnh đó, việc huấn luyện trong đời sống thánh hiến không đơn giản vì nằm trong hành trình tìm kiếm ý Chúa và thực thi ý Chúa.

Vậy, đâu là vai trò của đời sống thánh hiến? Xin lược qua một cách vắn tắt để thấy được vai trò không thể thiếu của đời thánh hiến trong Giáo hội và trong thế giới.

1. Đời sống thánh hiến mang lại lợi ích cho Giáo hội

Hiến chế Lumen Gentium đã trình bày cách toàn diện mới mẻ một nền thần học và mầu nhiệm của Giáo Hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, có một Công Đồng đã dành riêng một chỗ cho tu sĩ trong mầu nhiệm Giáo hội.

Song song với chương VI nói về tu sĩ, có một Sắc lệnh riêng đề cập trực tiếp đến đời sống tu trì: Sắc lệnh về việc canh tân đời sống tu trì. Sắc lệnh này tuyên bố dứt khoát rằng để canh tân đời sống tu trì thì việc huấn luyện từ nhà tập trở đi, phải có tầm quan trọng đặc biệt. Việc canh tân, phần lớn tùy thuộc vào việc huấn luyện những thành viên của mỗi Hội dòng.

Theo Sắc lệnh canh tân đời sống tu trì, mỗi Hội dòng không phải chỉ viết lại Hiến pháp và các sách luật, mà còn phải nghiên cứu toàn bộ vấn đề huấn luyện dưới ánh sáng của Hiến pháp ấy và đặc sủng riêng của mỗi Hội dòng. Giáo hội quan tâm đến việc đào tạo các tu sĩ, vì theo Công đồng Vat. II, đời thánh hiến của các tu sĩ là phương thế kết hiệp một cách đặc biệt với Giáo hội và với Mầu nhiệm Giáo hội, do đó đời thánh hiến luôn nỗ lực đem lại lợi ích cho Giáo hội. Việc mưu cầu đó được thể hiện bằng cách “bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo hội nếp sống Con Thiên Chúa đã nhận khi Người xuống thế để thi hành Thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Người đã đề ra cho các môn đệ theo Người” (LG 44). 

Như vậy, đời sống thánh hiến không chỉ là một con đường tu đức nhằm mưu ích cho riêng chính bản thân mình, nhưng là cho toàn thể thân thể Mầu nhiệm Chúa Kitô, nghĩa là Giáo hội. Bởi đó người tu sĩ cũng phải có trách nhiệm chia sẻ những thao thức của Giáo hội. Người tu sĩ được mời gọi phục vụ cho sứ mệnh của Giáo hội, chính vì thế trong Tông huấn Vita Consecrata, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định: “Đời sống thánh hiến nằm ngay giữa lòng Giáo hội như một yếu tố quyết định đối với sứ mạng của Giáo hội, bởi vì đời sống này biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô giáo và tình trạng tòan thể Giáo hội – Hiền thê đang ra sức vươn tới chỗ được kết hiệp với Đấng Phu Quân duy nhất” (số 3). 

Trong ngày lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt một câu hỏi và cũng kèm theo một câu trả lời khá thú vị: Điều gì sẽ xảy ra nếu không có các nữ tu? Không có nữ tu trong bệnh viện, trong việc truyền giáo, trong các tổ chức bác ái, trong các trường học… Anh chị em có thể tưởng tượng nổi một Giáo hội mà không có các nữ tu không. Thật là không thể tưởng tượng nổi!

Thật vậy, mỗi một người thánh hiến là một ơn của Thiên Chúa trên cuộc lữ hành của Giáo hội. Sự hiện diện này cần thiết biết bao cho việc củng cố và canh tân dấn thân phổ biến Tin Mừng, cho việc giáo dục Kitô, cho việc bác ái đối với các người cần được trợ giúp, cho việc cầu nguyện chiêm niệm, cho dấn thân đào tạo nhân bản và tinh thần cho người trẻ và các gia đình, cho công lý và hòa bình trong gia đình nhân loại. Giáo hội và thế giới cần đến chứng tá này của tình yêu và lòng thương xót Chúa. Tại sao Giáo hội lại cần đến chứng tá của đời sống thánh hiến?

2. Sứ mạng của Giáo hội trước những thách đố

Hiến chế Gaudium et Spes cho chúng ta thấy rằng Giáo hội đang đứng trước nhiều thách đố của một thế giới đang phát triển về tiến bộ khoa học nhân văn, và một thế giới đang quằn quại vì đói ăn, thiếu thốn, không biết bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt được sự tự do như ngày nay, đang khi đó lại thấy sống dậy những hình thức nô lệ mới mẻ về mặt xã hội cũng như tâm lý” (số 4). Giáo hội Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều thách đố như vậy, khi mà xã hội Việt Nam đang bước vào quĩ đạo toàn cầu hóa và nền kinh tế thị trường, cái hố phân cách giữa người giàu và người nghèo sẽ rộng ra, và khuynh hướng hưởng thụ sống thực dụng nơi giới trẻ sẽ lan rộng trở thành nếp sống mới, giới trẻ ngày nay như Đức Cha Nguyễn Thái Hợp nhận định: “Sống thực tiễn và thực dụng hơn. Đôi khi cũng khá lý tưởng và quảng đại, nhưng đồng thời lại chăm sóc quá kỹ cho bộ lông bộ cánh của mình. Đòi hỏi yêu thương và thông cảm, nhưng lại quá gay gắt và khắc nghiệt với thế hệ đi trước. Hiếu thắng, hăm hở lao mình vào cuộc chay đua của kinh tế thị trường và khoa học kỹ thuật, nhưng cũng rất dễ chao đảo trước những khó khăn của cuộc sống, những thất bại trong nghề nghiệp hay một chút lận đận về tình duyên. Không thiếu những người trẻ đã nản chí, buông xuôi và tìm cách giải quyết vấn đề bằng ma túy, tình dục, băng đảng hay bằng chính cái chết”. Vâng, một thực trạng đáng buồn đang diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta: “Hiện tượng giới trẻ buông thả, bung phá thác loạn thì thật rõ. Có mặt mọi nơi, từ các ngóc ngách phố phường cho đến bên trong trường học và đang len lỏi vào tận mỗi gia đình” (Nguyễn Thái Hợp, Để Họ Lớn Lên, Đức tin &Văn Hóa 2005, tr. 85).

Trước những thách đố đó “Giáo hội có quyền chờ đợi sự góp phần đặc biệt từ phía những người được thánh hiến, được kêu gọi làm chứng tá cụ thể rằng họ đã thuộc về Đức Kitô trong hết mọi hoàn cảnh” (Vita Consecrata, số 25).

Làm thế nào để người được thánh hiến trở thành chứng tá cụ thể? Điều này chỉ có thể thực hiện được qua nhiều yếu tố sau: qua việc đặt ra mục đích rõ ràng của việc huấn luyện, phương pháp thực hiện. Bên cạnh đó một yếu tố hết sức quan trọng là tự huấn luyện, kèm theo một cộng đoàn huấn luyện. Tất cả những yếu tố này sẽ được trình bày trong những bài sau.

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

 

 

Comments are closed.

phone-icon