DẪN NHẬP
Đề tài của bài chia sẻ này là “Giáo huấn của Giáo Hội về Thánh hiến và Sứ vụ của Tu sĩ” trong chủ đề chung của Hội nghị là “Thánh hiến để thi hành Sứ vụ”. Đọc thoáng qua thì xem ra chỉ là một đề tài lý thuyết vô tình, nhưng trong thực tế, đề tài này đáp ứng vào những vấn đề hết sức quan trọng cho đời sống của các tu sĩ.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong phần kết luận của tông huấn “Đời sống thánh hiến” (Vita consecrata) đã nhận định như sau: “Ngày nay không thiếu những người băn khoăn tự hỏi: Tại sao lại cần có đời thánh hiến? Tại sao lại chọn lựa đời sống này, khi có biết bao nhu cầu khẩn cấp trong môi trường bác ái và cả trong công tác phúc âm hóa, người ta có thể đáp ứng được mà không cần phải chấp nhận những đòi buộc riêng biệt của đời thánh hiến? Phải chăng đời thánh hiến làm phí phạm sức lực có thể được sử dụng theo tiêu chuẩn hiệu quả cho một lợi ích lớn hơn của nhân loại và Giáo Hội” (VC 104).
Lời nhận xét trên đây của tông huấn “Đời sống thánh hiến” (Vita Consecrata) đặt ra nhiều vấn đề, trong đó, có ba vấn đề chúng ta muốn chú ý đặc biệt và dành thời giờ suy tư là:
– Liên hệ giữa Thánh hiến và Sứ vụ nơi các tu sĩ;
– Sứ vụ đặc thù, riêng của các tu sĩ;
– Sứ vụ của các tu sĩ trong lòng Giáo Hội
Theo đề tài đã được ấn định, các suy tư về ba vấn đề này sẽ dựa trên giáo huấn của Giáo Hội, chứ không phải là những suy tư dựa trên ý kiến cá nhân hay của một nhân vật nổi tiếng nào đó.
Còn một yếu tố cần được xác nhận rõ ràng trước khi bắt đầu các suy tư. Từ “Sứ vụ” (Missio) có thể được hiểu là “truyền giáo” hay các nhiệm vụ tông đồ nói chung. Vì vậy, cần xác định ý nghĩa của cụm từ sẽ được dùng trong bài suy tư này. Theo thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế” (Redemptoris Missio) của ĐTC Gioan Phaolo II, Giáo hội chỉ có một sứ vụ (missio) là trình bày Chúa Giêsu cho nhân loại để giúp mọi người gặp được Chúa Giêsu vì Ngài là nguồn sống và la Đấng cứu độ của nhân loại. Tuy nhiên, tùy theo đối tượng, sứ vụ này được thực hiện dưới nhiều hoạt động tông đồ khác nhau, thích hợp cho những đối tượng cụ thể. Có 5 đối tượng khác nhau và do đó, có năm hoạt động tông đồ khác nhau:
– Các giáo hữu đang sống xác tín đức tin, nhưng đức tin của họ cần được nuôi dưỡng và trở nên sâu đậm hơn. Sứ vụ ở đây được thực hiện qua hoạt động Mục Vụ (Pastoral care).
– Các giáo hữu có đời sống đức tin hời hợt, cần phải được làm cho sống động hơn. Sứ vụ ở đây là công tác Tân Phúc Âm Hóa.
– Các giáo hữu, vì nhiều lý do khác nhau, đã chối bỏ đức tin của mình, cần phải giúp cho họ tìm lại được đức tin. Sứ vụ ở đây là công tác Tái Phúc Âm Hóa.
– Các tín hữu đã được rửa tội nhân danh Chúa Kitô, nhưng không thuộc Giáo Hội Công Giáo. Cần phải cấu tạo sự hiệp nhất giữa các môn đệ Chúa. Sứ vụ ở đây được thực hiện qua công tác Đại Kết.
– Mọi người chưa nhận biết và chưa chấp nhận Chúa Kitô là Đấng cứu độ. Cần phải làm cho các anh chị em đó, khám phá ra Chúa Kitô và đón nhận Ngài trong cuộc sống để được ơn cứu độ. Sứ vụ ở đây được thực hiện qua công tác truyền giáo mà trong tiếng Latinh gọi là “missio ad gents” để phân biệt với “Missio” được hiểu như sứ vụ tổng quát của Giáo Hội.
Từ “Sứ vụ” trong bài suy tư này được hiểu theo nghĩa tổng quát, bao gồm mọi hoạt động tông đồ của Giáo Hội.
I. LIÊN HỆ GIỮA THÁNH HIẾN VÀ SỨ VỤ NƠI CÁC TU SĨ
Vấn đề đầu tiên cần phải đặt ra là mối tương quan giữa Thánh hiến và Sứ vụ của các tu sĩ, vì hai yếu tố này, nếu có tương quan thì sẽ ảnh hưởng lẫn nhau, còn nếu không có tương quan thì mỗi yếu tố đi theo đường riêng của mình.
1. Nhận xét tình trạng cụ thể
Trong tâm thức của người tín hữu, khi nói đến một tu sĩ là người ta nghĩ ngay đến các công việc phục vụ của các ngài và thường thì các công việc phục vụ đó được nhiều người trân trọng, cảm phục và tín nhiệm. Giá trị của một tu sĩ hay của một hội dòng gắn liền với công việc tu sĩ, hội dòng đó thực hiện. Chính các tu sĩ, cá nhân và cộng đoàn, cũng hay đặt sự hãnh diện vào công tác mình làm và nhất là khi được nhiều người trân trọng và khen ngợi. Còn Thánh hiến thì coi như việc dĩ nhiên.
Tuy nhiên, điều được coi là dĩ nhiên, nhiều khi lại không dĩ nhiên chút nào, vì theo nhận xét của tông huấn “Đời sống thánh hiến” (Vita consecrata) đã nêu trên, “ngày nay không thiếu những người băn khoăn tự hỏi: ‘Tại sao lại cần có đời thánh hiến? Tại sao lại chọn lựa đời sống này, khi có biết bao nhu cầu khẩn cấp trong môi trường bác ái và cả trong công tác phúc âm hóa, người ta có thể đáp ứng được mà không cần phải chấp nhận những đòi buộc riêng biệt của đời thánh hiến” (Vita Consecrata, 104). Có lẽ nhiều tu sĩ không diễn tả vấn đề này các rõ ràng bằng lời nói hay trong tư tưởng, nhưng nói rõ ràng bằng đời sống cụ thể. Đó là khi người tu sĩ thực hiện sự thánh hiến và công tác phục vụ như hai thực tại biệt lập, đi song song. Một bên là việc cầu nguyện, đời sống cộng đoàn và giữ các qui luật, nhất là những qui luật liên quan đến ba Lời Khấn; bên kia là các công tác phải thực hiện. Hai yếu tố không ăn nhập gì với nhau. Cũng có những tu sĩ chỉ coi trọng công tác thực hiện, còn đời sống thánh hiến thì coi nhẹ và khi cần, có thể bỏ qua một bên. Do đó, công tác thực hiện có thể là rất tốt, nhưng đời sống, tư cách và thái độ thì khó có ai chấp nhận được. Đôi khi người ta nói: “Con thấy chẳng khác người đời chút nào!” Hai thái độ trên đây đã gây ra những tình trạng căng thẳng trong cộng đoàn và chính trong tâm hồn của người tu sĩ.
2. Giáo huấn của Giáo Hội
Chủ đề chính yếu của Hội nghị là “Thánh hiến để thi hành sứ vụ”. Như thế, chủ đề đã đặt thánh hiến và sứ vụ trong một tương quan. Tuy nhiên, vần đề vẫn còn phải đặt ra về bản tính của mối tương quan giữa hai yếu tố: thánh hiến và sứ vụ. Để hiểu chính xác tương quan này, chúng ta có thể trích dẫn vài giáo huấn từ các văn kiện của Giáo Hội:
– “Người tín hữu Chúa Kitô có thể ràng buộc mình với ba Lời Khuyên Phúc âm, hoặc qua các Lời Khấn, hoặc qua những cách thức ràng buộc thiêng thánh với những mục đích như ba Lời Khuyên Phúc âm. Qua sợi dây ràng buộc đó, người tu sĩ được dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng một hành động tình yêu tối cao… Như vậy, người tu sĩ được dâng hiến mật thiết hơn cho việc phục vụ Thiên Chúa.” (Evangelica Testificatio, 7)
– “Các tu sĩ được dành riêng cho việc tông đồ trong sứ vụ thiết yếu là loan báo Lời Chúa cho những người Chúa đặt để trong hành trình cuộc đời, để dẫn đưa họ tới đức tin. Sứ vụ này đòi hỏi một sự kết hiệp sâu đậm với Chúa, nhờ đó, người ta mới có thể hiểu được sứ điệp vị tu sĩ thông truyền.” (Evangelica Testificatio, 9).
– “Mọi thể chế của con người đều dễ dàng bị đóng khung trong các cơ cấu của nó và có nguy hiểm trở thành hình thức. Luôn luôn cần thiết phải làm cho các hình thức bên ngoài được sống động qua nguồn sinh lực có sức thúc đẩy từ bên trong, nếu không, các hình thức bên ngoài sẽ trở thành gánh nặng vượt quá sức chịu đựng.” (Evangelica Testificatio, 12).
– Để hiểu ý nghĩa của ơn gọi Thánh hiến, “người ta có thể chiêm ngắm khuôn mặt sáng ngời của Chúa Kitô trong mầu nhiệm Biến hình… Lời của thánh Phêrô “Lạy Thầy, ở đây thì tốt lắm”… diễn tả tính cách ‘trọn vẹn’ của ơn gọi thánh hiến và đó chính là sức mạnh thâm sâu của ơn gọi này: ‘Thật là đẹp được ở với Thầy, dâng hiến mình con cho Thầy, qui tụ tất cả cuộc đời của con cho duy một mình Thầy’. Thực vậy, ai đã lãnh nhận ơn được sống trong tình yêu thông hiệp đặc biệt với Chúa Kitô, sẽ cảm thấy như thể được chiếm đoạt bởi sự sáng ngời của Ngài: ‘Ngài là Đấng đẹp đẽ giữa con cái loài người’ (Tv 45,3), Đấng không ai sánh kịp.” (Vita Consecrata, 15).
– “Phải khẳng định rằng sứ vụ là thiết yếu cho mọi tu hội, không những cho những tu hội hoạt động tông đồ, mà còn cho cả những tu hội chiêm niệm nữa… Có thể nói rằng người thánh hiến “được sai đi” do chính sự thánh hiến của mình; người ấy làm chứng cho sứ mạng theo lý tưởng của tu hội mình” (Vita Consecrata, 72).
Dưới ánh sáng của mấy đoạn trích dẫn trên đây, hai yếu tố “thánh hiến” và “sứ vụ” tương quan mật thiết với nhau, không thể tách rời, như hai mặt của một đồng bạc. Cũng có thể nói: thánh hiến là sứ vụ trong ngọn nguồn, còn sứ vụ là thánh hiến trong hành động. Vì vậy, sức linh động và kết quả tông đồ của các tu sĩ tùy thuộc vào khả năng nối kết hai yếu tố “thánh hiến” và “sứ vụ” với nhau. Làm sao để đời thánh hiến phải chảy tràn lan ra qua công tác tông đồ, còn công tác tông đồ phải phát xuất từ đời sống thánh hiến. Chắc đây phải là điểm đầu tiên cần phải được chú ý và duyệt xét cách rất cụ thể trong đời sống và sứ vụ của các tu sĩ. Khi công tác tông đồ không phát xuất từ đời thánh hiến thì trong thực chất, đó không phải là công việc tông đồ. Có vỏ mà không có ruột! Còn đời thánh hiến mà không diễn tả ra qua thao thức tông đồ thì sẽ trở gánh nặng, biến người thánh hiến thành một robot.
II. SỨ VỤ ĐẶC THÙ, RIÊNG CỦA CÁC TU SĨ
Các tu sĩ thi hành sứ vụ qua rất nhiều công tác khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, thời đại, lãnh vực hoạt động của Hội dòng và khả năng riêng của mỗi tu sĩ. Như chúng ta đã nói trên đây, các công việc do các tu sĩ thực hiện, có thể nói, được mọi người trân trọng, khen ngợi và chính các tu sĩ cũng được người ta quí mến và cảm phục. Vì tính cách đa dạng của các công tác tông đồ được các tu sĩ thực hiện và, thêm vào đó, có nhiều công tác tông đồ, không phải chỉ có các tu sĩ thực hiện, mà nhiều người, nhiều cơ quan thiện nguyện quốc tế cũng thực hiện song song với các tu sĩ, một câu hỏi cần được đặt ra là: Công tác tông đồ nào là công tác thiết yếu, công tác tông đồ nền tảng hay cũng có thể coi là công tác tông đồ duy nhất của tu sĩ?
1. Giáo huấn của Giáo Hội
Một đoạn trong tông huấn “Đời sống thánh hiến” (Vita Consecrata) có thể trả lời cho câu hỏi nền tảng này: “Vượt lên khỏi sự đánh giá hời hợt về tính cách lợi ích, đời sống thánh hiến quan trọng chính trong tính cách ‘đầy tràn của sự vô vị lợi và của tình yêu’, nhất là trong một thế giới đang có nguy hiểm bị rơi vào tình trạng ngột ngạt trong cơn lốc của những yếu tố chóng qua. Nếu không có dấu hiệu cụ thể này (đời sống thánh hiến) đức ái là sức mạnh đem sức sống cho toàn thể Giáo Hội có nguy cơ trở thành nguội lạnh, tính cách ‘nghịch lý’ cứu độ của Tin Mừng bị trụt dốc, “muối” đức tin trở thành tẻ nhạt trong một thế giới đang trong đà “tục hóa”. Đời sống của Giáo Hội và ngay cả xã hội cần có những người có khả năng dâng hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân vì tình yêu Thiên Chúa. Giáo Hội tuyệt đối không thể để cho thiếu Đời thánh hiến, vì đây là đời sống diễn tả một cách hùng hồn bản chất sâu nhiệm ‘giao ước’ của Giáo Hội.” (Vita Consecrata, 105).
2. Suy tư thần học
Để cắt nghĩa thêm giáo huấn của tông huấn “Đời sống thánh hiến”, cần phải đặt ơn gọi thánh hiến trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Loài người bất trung, từ khước Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không từ bỏ nhân loại, mà tìm phương cách cứu độ nhân loại vì Thiên Chúa thương yêu nhân loại và Ngài thương yêu nhân loại bằng một tình yêu hết sức đặc biệt. Đó là tình yêu giao ước (Is 62,5; Os 2,18-22). Tình yêu này được Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ nhân loại diễn tả cách mạnh mẽ nhất, tuyệt hảo nhất qua mầu nhiệm Thánh Thể. Chúa Giêsu không những dâng hiến, mà ao ước dâng hiến: “Thầy rất ao ước được ăn bữa tiệc Vượt qua này với các con trước khi chịu nạn” (Lc 22,15); “Thầy đã đến để đem lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50).
Thường tình thì tình yêu, nhất là tình yêu sâu đậm, tình yêu say mê thì động thấu con tim. Không ai có thể làm ngơ trước một tình yêu say mê. Vậy mà trong thực tế, nhiều người không hiểu tình yêu trời bể của Thiên Chúa, người khác thì coi thường, làm ngơ giả điếc; có người lại còn khinh chê và hơn nữa còn chống đối, tìm các tiêu diệt. Vì lý do đó, Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong lòng Giáo Hội một nhóm người được kêu gọi đặc biệt sống tình yêu giao ước với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu để trở nên dấu chứng hữu hình, tỏ tưởng, không thể nhầm lẫn về tình yêu giao ước của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đây chính là yếu tố căn bản, quyết định căn tính cũng như sứ mệnh và do đó, tất cả cuộc đời của người được kêu gọi sống Đời thánh hiến: Sứ mệnh dẫn đưa nhân loại vào tình yêu giao ước với Thiên Chúa. Đây là sứ mệnh căn bản của một tu sĩ, không như một sứ mệnh quan trọng nhất giữa các sứ mệnh, nhưng là cái hồn của tất cả các sứ mệnh và, do đó, chúng ta cũng có thể nói là sứ mệnh duy nhất. Các công tác tông đồ là những hoàn cảnh, những môi trường cụ thể để thực hiện sứ mệnh này: dẫn đưa loài người, cá nhân và nhóm người, đối tượng của công tác tông đồ, vào tình yêu giao ước với Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô. Trong viễn tượng này, một câu hỏi cần được đặt ra: trong việc tông đồ, truyền giáo, nên có nhiều hay không nên có nhiều phương tiện vật chất, của cải tiền bạc? Câu hỏi xem ra có vẻ ngược đời, nhưng lại hết sức quan trọng và chúng ta chỉ có thể trả lời dưới ánh sáng của sứ mệnh dẫn đưa nhân loại vào tình yêu giao ước với Thiên Chúa.
3. Tu sĩ sống sâu đậm tình yêu giao ước
Sứ mệnh gắn liền với đời sống. Để chu toàn sứ mệnh dẫn đưa nhân loại vào tình yêu giao ước với Thiên Chúa, chính người tu sĩ phải sống sâu đậm tình yêu giao ước đó với Ngài. Hai yếu tố của tình yêu giao ước:
– Tính cách trọn vẹn
Bỏ tất cả để không còn gì bám víu ngoài Thiên Chúa và để Chúa có thể là trung tâm cuộc đời và công việc phục vụ của mình, vì thực sự, đứng trước sự diệu kỳ là tình yêu giao ước với Chúa Giêsu, tất cả chỉ là ánh sáng mờ ảo, như đóm đóm lập lòe (x. Pl 3,7-9).
Theo nghĩa này thì hành trình thiêng liêng của đời thánh hiến, dấn thân trong sứ vụ tông đồ và truyền giáo là cuộc thanh luyện để có được sự Tự Do Nội Tâm. Nếu không có tự do nội tâm, người ta sẽ không nghe thấy tiếng Chúa và sẽ không thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của tình yêu giao ước với Chúa Giêsu, mà chỉ nghe thấy lộn xộn muôn tiếng ồn ào chen lấn. Cần phải thanh luyện cho lòng mình được tự do thanh thoát trước tất cả thụ tạo, không những điều xấu mà cả điều tốt: danh vọng, tiền bạc, chức vụ, gia đình, làng nước, thành công, thất bại… (Mt 10,37-39). Nói cho cùng thì vấn đề không phải do các thực tại gây ra, nhưng tại con tim của người tu sĩ làm chúng thành méo mó. Nhiều thực tại không xấu, nhưng con tim của con người sa đọa làm cho chúng ra xấu.
Chính vì vậy mà đời sống thiêng liêng tông đồ thường được ví von như cuộc hành trình vào sa mạc: vất tất cả, chỉ giữ lại một vật duy nhất. Đó là NƯỚC. Có thể thiếu tất cả, nhưng nếu thiếu nước thì sẽ chết khô trong sa mạc.
– Tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa
Một trong những đặc tính căn bản của tình yêu say mến là tìm biết và đáp ứng các ước mong của người mình say mến. Tất cả cuộc đời và công việc của người tu sĩ đều quy hướng về một điểm duy nhất: tìm biết và làm theo ý Chúa.
III. SỨ VỤ TRONG LÒNG GIÁO HỘI
Điểm suy tư sau cùng là “tính giáo hội” của đời sống và sứ vụ của người tu sĩ. Nhiều văn kiện của Giáo Hội nói về chiều kích Giáo Hội của ơn gọi thánh hiến, nhưng đặc biệt, có bốn văn kiện:
– Mutuae Relationes. Những hướng dẫn về các liên hệ hỗ tương giữa các Giám mục và các Tu sĩ trong Giáo hội (1978)
– Vita consecrata. Tông huấn về Đời sống và sứ vụ của ơn gọi thánh hiến trong Giáo Hội (1996).
– Ripartire da Cristo (Starting Afresh from Christ). Canh tân sự dấn thân của đời thánh hiến trong Ngàn Năm thứ Ba (2002).
– Apostolorum Successores. Hướng dẫn cho sứ vụ mục tử của các Giám mục (2004)
Dưới đây, chúng ta chỉ trích dẫn một số hướng dẫn của văn kiện Mutuae Relationes về các liên hệ hỗ tương giữa các Giám mục và các Tu sĩ trong Giáo hội.
– Số 8: “ Đời sống thực tiễn của tu sĩ dẫn người ta khám phá ra chiều kích giáo hội cách hết sức cụ thể và rõ ràng, tức là mối liên hệ không thể hồ nghi của đời sống thánh hiến với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội (x. LG 44). Qua tác động của giáo quyền, Thiên Chúa thánh hiến tu sĩ cho việc phục vụ Ngài cách quảng đại hơn trong Dân Chúa (x. LG 44). Cũng thế, Giáo Hội, qua tác vụ của các Mục tử, ngoài việc ban cho đời sống thánh hiến tính cách pháp lý và nâng nó lên phẩm giá của một bậc sống theo giáo luật, nhờ nghi thức phụng vụ, còn làm cho nó trở thành bậc sống hiến dâng cho Thiên Chúa (x. LG 45; SC 80,2). Hơn nữa, các giám mục, trong tư cách là thành phần của Giám mục Đoàn… cũng xem xét để các Hội Dòng, ‘được hướng dẫn bởi quyền bính của họ, có thể phát triển và đem hoa trái hòa hợp với tinh thần của các đấng sáng lập’.” (LG 45).
– Số 9: “Mấy suy nghĩ trên đây về mối hiệp thông theo phẩm trật trong Giáo Hội đem ánh sáng chiếu soi vào mối tương quan giữa các Giám mục và các tu sĩ mà người ta cần phải khích lệ và tăng cường.
a) Chúa Kitô là Đầu của nhiệm thể Hội Thánh, là Mục Tử vĩnh cửu, đã trao quyền cho thánh Phêrô và các Tông Đồ và các đấng kế vị của các ngài. Không ai khác có quyền thi hành bất cứ chức năng nào, hoặc giảng dạy, thánh hóa hay cai quản, nếu không là tham dự và hiệp thông với các ngài.
b) Chúa Thánh Thần là linh hồn của nhiệm thể Hội Thánh. Không thành phần nào trong Dân Chúa sở hữu tất cả khả năng, chức vụ và trách nhiệm, nhưng phải sống trong sự hiệp thông với các phần tử khác. Các sự khác biệt trong Dân Chúa, đều hướng về nhau và bổ túc cho nhau để cấu tạo một sự hiệp thông và sứ vụ duy nhất.
c) Các Giám mục, hiệp thông với Đức Thánh Cha, nhận từ Chúa Kitô, nhiệm vụ phân định các ơn riêng và các thẩm quyền; nhiệm vụ phối kết các năng lực và hướng dẫn tất cả Dân Chúa, sống trong thế giới như dấu chỉ và dụng cụ của ơn cứu độ. Vì thế, các Giám mục cũng được trao phó trách nhiệm chăm sóc các ơn đặc sủng của các tu sĩ, nhất là chính vì tác vụ mục tử của các ngài làm cho các ngài có bổn phận phải lo lắng cho toàn thể đoàn chiên được thêm hoàn hảo. Như thế, khi cổ võ và bảo vệ đời sống tu trì cho phù hợp trúng theo đặc tính riêng của họ, các Giám mục chu toàn trách nhiệm mục vụ của mình.
– Số 10: “Bậc sống tu trì không phải là bậc sống đứng giữa bậc sống linh mục và bậc sống giáo dân, nhưng là bậc sống phát xuất từ cả hai bậc sống nói trên, như quà tặng đặc biệt cho toàn thể Giáo Hội (x. LG 43)… Vị tu sĩ dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa, tình yêu tối hậu của mình. Trong cách thế mới và đặc biệt, vị tu sĩ biến đổi mình hoàn toàn cho Chúa, để phục vụ và tôn vinh Ngài; điều này kết hiệp vị tu sĩ với Giáo Hội và mầu nhiệm của Giáo Hội cách đặc biệt và đòi vị tu sĩ phải hoạt động chí thú cho phần lợi ích của toàn thể Giáo Hội (x. LG 44)”.
Mấy đoạn trích dẫn từ văn kiện “Mutuae Relationes” trên đây, tuy không thể nói được hết giáo huấn của Giáo Hội về “tính giáo hội” của đời sống và sứ vụ của các tu sĩ, nhưng cũng nói được một số yếu tố chính yếu và chúng ta có thể tóm lại trong một số điều như sau:
– Tâm tư: Đời sống thánh hiến là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội của Chúa để xây đắp đời sống đức tin của Dân Chúa. Vì thế, “tính giáo hội” là một yếu tố thiết yếu cho đời sống thánh hiến. Để sống trung thực ơn gọi của mình, các tu sĩ phải mở lòng, mở trí sống trong thực tại của Giáo Hội. Người tu sĩ không thể chỉ suy nghĩ trong tương quan với Hội dòng của mình, mà nhất thiết, phải suy nghĩ trong chiều kích Giáo Hội: Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội địa phương tại quốc gia, Giáo Hội địa phương tại Giáo phận. Nói cách cụ thể thì tương quan với hội dòng, với công tác của hội dòng phải được nhìn trong viễn tượng các nhu cầu mục vụ cụ thể của Giáo Hội.
– Hành động: tâm tư được thể hiện qua hành động. Nếu tâm tư đã mang “tính giáo hội” thì các hoạt động cũng mang “tính giáo hội” và được thể hiện qua hai cách thức: a) Các hoạt động riêng của Hội dòng, một đàng phải hòa hợp với chương trình mục vụ của Giáo Hội địa phương (quốc gia, giáo phận, giáo xứ), đàng khác phải trung thành với đặc sủng riêng của Hội dòng; b) Lo lắng cho các nhu cầu mục vụ của Giáo Hội và tham dự, cộng tác cụ thể với các chương trình mục vụ chung của Giáo Hội.
– Cuộc sống: các mối tương quan, liên hệ với các thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội, nhất là với các linh mục triều và các linh mục, tu sĩ của các Hội dòng khác cũng cần mang “tính giáo hội”. Trong các cộng đoàn huấn luyện (chủng viện, nhà tập, v.v.), ngày xưa người ta hay nói đến vấn đề “nghĩa riêng”. Biết đâu lại chẳng có vấn đề “nghĩa riêng tập thể”?
– Tương quan giữa các giám mục và tu sĩ không chỉ giới hạn ở bình diện hoạt động mục vụ, nhưng còn liên quan cả trong đời sống thánh hiến của các tu sĩ. Các Giám mục có bổn phận phải lo lắng, cổ võ và bảo vệ đời sống tu trì cho phù hợp trúng theo đặc tính riêng của họ. Đó là trách nhiệm mục vụ của các ngài.
– Trong các văn kiện của Giáo Hội, khi nói đến vị thế của các tu sĩ trong Giáo Hội và tương quan giữa các tu sĩ và các giám mục, hai cụm từ được dùng liên tục là “cộng tác” (collaboration) và đối thoại (dialogue). Có lẽ đây là hai yếu tố ít được để ý và thực hành và nếu có thì cũng chỉ có tính cách xã giao và hình thức, nên cần được ý thức hơn và ra công phát huy để đem ơn ích đến cho đoàn Dân Chúa.
KẾT LUẬN
Để kết luận, chúng ta có thể nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI và ĐTGM Socrates Villegas, Chủ tịch Hội Đồng Giám mục Phi luật Tân. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, trong cuộc gặp gỡ giới linh mục, tu sĩ nhân cuộc viếng thăm Hoa Kỳ 2008 đã nói: “Giáo Hội không cần có nhiều linh mục, tu sĩ chỉ để có nhiều, nhưng cần có nhiều linh mục, tu sĩ hạnh phúc”. Đức Tổng Giám Mục Socrates Villegas cũng nói một điều tương tự với các linh mục Phi luật Tân, khi mới được bầu làm Chủ tịch HĐGM nước này: “Giáo Hội không thiếu linh mục, chỉ thiếu lòng nhiệt thành”. Chúng ta cũng có thể áp dụng vào trường hợp các tu sĩ và nói: “Giáo Hội không thiếu các tu sĩ, chỉ thiếu tu sĩ nhiệt thành”.
Hạnh phúc và lòng nhiệt thành được nói đến ở đây không đơn thuần là một thứ tình cảm. Cần phải phân biệt hạnh phúc và lòng nhiệt thành tình cảm và hạnh phúc và lòng nhiệt thành đức tin. Loại thứ nhất là cảm xúc thỏa mãn vì được toại nguyện, vừa ý; loại thứ hai là lòng xác tín vì được ánh sáng đức tin chiếu soi và ý chí quyết tâm dấn thân thực hiện. Loại thứ nhất, khi vừa ý thì hăng say thực hiện, quên ăn, quên ngủ, nhưng nếu không vừa ý hay không ưa thích thì làm ngơ, giả điếc; loại thứ hai cho dù có thích mà không phải là ý Chúa thì cũng không làm hoặc nếu là ý Chúa thì quyết tâm thực hiện, cho dù không thích và có khi còn nguy hiểm hay thiệt thòi. Cuối cùng, đề tài “Thánh hiến và Sứ vụ” không chỉ liên quan đến những ý tưởng hay cơ cấu và cách thức làm việc tông đồ, mà động đến chính cái hồn của người sống Đời Thánh hiến.
GM Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phụ tá Gp Xuân Lộc
—————
Các Văn kiện chính của Giáo Hội liên quan đến Thánh hiến và Sứ vụ của Tu Sĩ
Vaticano II- Ad Gentes. Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (1965).
– Christus Dominus. Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Giáo Hội (1965).
– Perfectae Caritatis. Sắc lệnh về việc canh tân đời sống tu trì (1965).
Các Đức Thánh Cha
ĐTC Phaolô VI
– Ecclesiae Sanctae, Tông thư về việc àp dụng các Sắc lệnh của Công đồng Vaticano II (1966).
– Evangelica testificatio. Tông huấn về việc canh tân đời sống tu trì theo giáo huấn của Công đồng Vaticano II (1971).
– Evangelii Nuntiandi. Tông huấn về việc Rao giảng Tin Mừng trong thế giới tân tiến hôm nay (1975).
ĐTC Gioan Phaolo II
– Codex Juris Canonici, Bộ Giáo luật, Kh. 641-683 (1983).
– Redemptionis Donum. Tông huấn về sự thánh hiến của các tu sĩ dưới ánh sáng của mầu nhiệm cứu chuộc (1984).
– Redemptoris Missio. Thông điệp về công việc truyền giáo của Giáo Hội (1991).
– Vita consecrata. Tông huấn về Đời sống và sứ vụ của ơn gọi thánh hiến trong Giáo Hội (1996).
ĐTC Bênêdettô XVI
– Live in Complete Conformity With the Gospel. Thư gửi các tham dự viên tổng đại hội của Bộ cho Đời sống Thánh Hiến (2005).
Các Bộ của Tòa Thánh
Bộ cho Đời Sống Thánh Hiến và Bộ cho các Giám Mục
– Mutuae Relationes. Hướng dẫn về các liên hệ hỗ tương giữa các Giám mục và các Tu sĩ trong Giáo hội (1978)
Bộ cho các Giám Mục
– Apostolorum Successores. Hướng dẫn cho sứ vụ mục tử của các Giám mục (2004)
Bộ cho Đời Sống Thánh Hiến
– Ripartire da Cristo (Starting Afresh from Christ). Canh tân sự dấn thân của đời thánh hiến trong Ngàn Năm thứ Ba (2002)
– Rejoice! Thư gửi các tu sĩ nam nữ. Một sứ điệp từ giáo huấn của ĐTC Phanxicô (2014)