Lời mời gọi sống kinh nghiệm đức tin của người Kitô hữu trong khi mừng mầu nhiệm Giáng Sinh – Mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập thể, thiết tưởng không chỉ là một việc cần thiết, mà còn là món nợ tình yêu phải trả. Kinh nghiệm này tuy là một hành trình chưa đạt đích, nhưng luôn là niềm hy vọng chắc chắn của bao người. Vì thế mà một suy tư thần học dựa trên kinh nghiệm đức tin nhằm biến đổi cuộc sống con người, hẳn là một việc vừa hợp lý, vừa khẩn trương để làm. Bởi lẽ, những thao thức sống kinh nghiệm thiêng liêng chính là nội lực mãnh liệt thúc đẩy con người nhanh chóng đan dệt tâm tư tình cảm của mình làm thành lẽ sống siêu nhiên vững chắc. Quả vậy, đã có những hành trình kinh nghiệm đức tin, lâu ngày thêm xác tín và trở nên luật sống; như trường hợp của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, họ đã biến qui luật cầu nguyện thành qui luật của đức tin (lex orandi = lex credendi), và qui luật đức tin thành qui luật sống (lex credendi = lex vivandi). Khởi đi từ đó, lãnh vực Phụng Vụ luôn đóng vai trò chủ yếu cho sự sống Giáo Hội.
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu cách khái quát sự liên đới giữa một kinh nghiệm đức tin về Bí Tích Thánh Thể và một cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Nhập thể trong nhiệm cục của Thiên Chúa Ba Ngôi. Như khi đôi tay linh mục cầm lấy bánh rượu đã hoá thành thân mình Đức Kitô và tuyên bố: “Này là mình Ta…Này là máu Ta…” thì niềm tin Kitô giáo khẳng định ở đó, có ẩn giấu chiều sâu của việc Nhập Thể. Bởi lẽ, nơi việc Nhập thể cũng như nơi Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa diễn tả tột đỉnh của tình yêu của Ngài, tình yêu giữa các Ngôi vị. Chính nhờ tình yêu sáng tạo này mà con người được diễm phúc thông hiệp vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng liệu con người có thấu hiểu và cảm nhận cách xứng đáng hồng ân tuyệt vời đó không?
1. Ngôi Lời đã làm người…
Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa hạ mình xuống ngang hàng với con người để nối kết với con người bằng những tương quan mật thiết nhất: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…” (Pl 2, 6). Đó là một cuộc tự huỷ tận căn. Đó là một tình yêu tuyệt đối: “Ngài đã yêu thương chúng ta cho đến cùng” (Ga 13,1). Thật vậy, chính sự khát khao chia sẻ với con người phẩm giá làm Con của mình, mà Đức Kitô đã chấp nhận Nhập Thể theo ý muốn của Chúa Cha, để trở thành gạch nối thần kỳ giữa Thiên Chúa và con người. Sự nối kết đầy yêu thương và quyền năng này đã dẫn đưa con người vào thẳng tử hệ thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều đó quả là kỳ diệu, vượt quá tầm sức suy hiểu của loài người. Vâng, chỉ có Ngài từ Cha mà đến, chỉ có Ngài dưới sự trợ lực của Thánh Thần đã hoá thành phàm nhân, mới có một khả thể trung gian mầu nhiệm, để cứu độ con người. Bởi lẽ, xác thịt mà Ngôi lời mặc lấy trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria đã được Ngôi vị hoá bởi Ngôi vị thần linh của Thiên Chúa. Chính Ngôi vị thần linh này hoạt động trong con người Giêsu với trọn thần tính của Ngôi Hai, hầu cho công việc Ngài thực hiện trực tiếp đem lại ơn Cứu độ cho loài người.
Có nhiều cách thức để con người có thể hiện diện trong thế giới này: hoặc bằng hình chụp; hoặc bằng hình ảnh sống động qua ti-vi, xi-nê; hoặc bằng lời nói qua điện thoại, radio; hoặc bằng chữ viết qua sách vở, thư từ, carte tặng…; hoặc bằng những kỷ vật; hoặc bằng sự tưởng niệm tới một ai quá cố… Trong những hình thái trên, thiết tưởng sự hiện diện hữu thể giữa con người với nhau, là cách thức hiện diện cụ thể và sống động hơn cả. Vì chỉ có cách hiện diện này, con người mới có khả năng tiếp nhận một ai khác, cách cá vị và độc đáo.
Đức Giêsu đã sáng nghĩ ra Bí Tích Thánh Thể như một hình thái hiện diện hiện sinh này, để qua đó Thiên Chúa có thể cư ngụ ở giữa loài người. Thực vậy, trong bữa tiệc ly, hai công thức “này là Thịt Ta, này là Máu Ta” không thể được hiểu là chỉ ban thân xác. Nhưng, theo kiểu nói của ngôn ngữ Se-mit thì chúng ta hiểu ngay rằng: trong xác thịt có sự hiện diện của cả Ngôi vị. Vì thế mà Đức Kitô đã hiện diện trên bàn thờ với tư cách là Con Thiên Chúa. Trong cuộc hy hiến này, Ngài lấy chính Thịt Máu mình để chuyển trao sức sống cho con người, và sức sống ấy chính là sức sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Quả vậy, nghĩa chữ “Mình Ta” được hiểu về “cái tôi”, “cái là”, “cái hiện hữu” của Đức Giêsu, mà “cái tôi”, cái “hiện hữu” của Ngài lại luôn hiệp nhất với Ba Ngôi, nên một với Chúa Cha và nên một với Chúa Thánh Thần. Chính vì vậy mà khi Ngôi Lời Nhập Thể ban “cái tôi” của Ngài cho mọi người thì cũng là lúc Ngài kết hợp họ với cả Ba Ngôi.
Vì thế mà cách thức hiện diện của Chúa Kitô dưới hình bánh và hình rượu có chứa đựng Mình và Máu Chúa Kitô cách thật sự, cách hiện thực, và cách bản thể, cùng với linh hồn và thần tính của Chúa Giêsu Kitô. Đây là sự hiện diện bản thể cách toàn diện vì Ngài là Thiên Chúa thật và là con người thật. Nếu như thứ ngôn ngữ biểu tượng không bị đóng khung này, đã mở ra những con đường tuyệt diệu làm thoả mãn khát vọng của bất cứ một ai ước mong được “sờ” tới Thiên Chúa, thì kinh nghiệm đức tin cho ta “thấy” được Ngài qua Ngôi Lời, “Đấng đã làm người và ở giữa chúng ta”, như kinh nghiệm của Thánh Gioan (1Ga 1,1).
Quả vậy, nếu một suy tư thần học nào cũng cần phải sử dụng nhiều loại phạm trù để diễn tả, thì từ nhiều góc độ khác nhau, việc Truyền phép Thánh Thể đã hội tụ được một ý nghĩa hết sức nhiệm sâu của việc Nhập Thể. Bí Tích Thánh Thể nối kết toàn thể cộng đồng nhân loại vào tận bên trong Ba Ngôi, đồng thời làm cho Ba Ngôi ngự đến ngay giữa lòng môi trường nhân loại. Cuộc chuyển hoán thần linh này đẩy con người vào sâu hơn trong nhịp sống của Ba ngôi một cách rất thân tình. Vậy, khi trao ban và lặp lại trong Thánh lễ việc trao ban sự hiện diện của Ngôi vị Ngài như thế, Đức Kitô đã làm cho mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục. Việc Nhập Thể trực tiếp này là một mầu nhiệm được lý giải trong nhiệm cục của tình yêu Ba ngôi. Nhờ đó Ngôi Lời đã trở thành xác thịt trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và Con Thiên Chúa đích thân nhận lấy một linh hồn nhân loại và một thân xác nhân loại.
2….và ở giữa chúng ta
Không chỉ dừng lại ở thứ ngôn ngữ bập bẹ của thuở nằm nôi, khi mà Cha Mẹ của những người Công Giáo cầm lấy tay con mình để dạy cho biết làm dấu Thánh Giá một cách thơ dại và thụ động; người tín hữu cần phải sống mầu nhiệm Ba Ngôi một cách trưởng thành nữa. Giáo lý về Ba Ngôi được minh nhiên hoá bằng một suy tư có liên quan đến chính biến cố Nhập Thể. Há không phải khi cử hành bí tích Thánh Thể, con người đã nghiệm thấu mầu nhiệm Ba Ngôi vốn được giấu kín trong Mạc khải, nay được hiển lộ trong lịch sử Cứu độ, lịch sử của nhân loại sao? Quả vậy, Thánh Thể luôn mang tính sáng tạo và độc đáo của tình yêu Nhập Thể, để Ngôi Lời có thể làm người và ở giữa loài người.
Ngài ở giữa chúng ta như là Tình yêu, nghĩa là: sự hiện hữu của Ngài chính là Tình yêu. Theo Gioan, Tình yêu không chỉ là thuộc tính của Thiện Chúa nhưng là “cái là” của Ngài. Do bởi tình yêu mà có những sáng tạo đột phá, để rồi lời tuyên xưng về một Thiên Chúa Ba ngôi không cản trở đến lời tuyên tín về một Thiên Chúa duy nhất. Duy nhất mà Ba Ngôi; Ba ngôi mà duy nhất được lý giải bằng lý lẽ của Tình yêu. Bởi đó, mà chúng ta nhận ra Ngài ở giữa chúng ta một cách vừa sinh động vừa nhiệm lạ. Chúa Cha sinh Chúa Con bởi tình yêu. Chúa Cha hiệp nhất trong Chúa Con mà không mất đi cũng bởi tình yêu. Trái lại sự hiệp nhất này lại làm rõ hơn vị thế làm Cha và vị thế làm Con của Ngôi Hai trong sự “xoá mình đi” của mỗi ngôi. Chúa Con, được sinh ra bởi Cha do tình yêu, là phát ngôn viên của Cha trong sứ mạng chết cho tình yêu. Con chỉ có thể hoàn tất sứ vụ trong sự tự huỷ tận căn, nghĩa là xoá mình đi vì tình yêu mới có thể nên một với Cha. Và chỉ như thế Cha mới hiện hữu như Cha, và Con mới hiện hữu như Con. Chúa Thánh Thần là tình yêu của Cha và Con, Ngài là điểm nối không phân biệt giữa Cha và Con. Chính trong mối tương hỗ thần linh này mà Thánh Thần soi cho con người nghiệm rõ tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa về sự Thiên Chúa ở cùng chúng ta là một Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi trong một nhịp sống yêu thương để yêu thương.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta bằng xương bằng thịt trong ngày Nhập Thể. Sự hiện diện này là một sự trao đổi kỳ diệu giữa các Ngôi vị. Một sự hướng về nhau, liên đới với nhau. Từ đó, hồng ân tuôn đổ cho chúng ta là do sự sung mãn tràn đầy của tình yêu trong Thiên Chúa. Điều đó khẳng định rằng chính Thiên Chúa vào trong thế giới Ngài dựng nên, mà Thiên Chúa không ngừng là Thiên Chúa, hoặc thế giới không ngừng là thế giới. Ba Ngôi luôn năng động và sung mãn tới mức, Ngôi Lời Nhập thể mà không sự giảm sự thánh thiện Ngôi Vị Thần Linh của Ngài; cũng không làm biến thái biến dạng của một Ngôi vị Thiên Chúa khi phải chấp nhận cảnh sống nghèo hèn của con người. Chính đây là tâm điểm mà qua đó Thiên Chúa tự khẳng định mình là Thiên Chúa.
Thiên Chúa ở cùng chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể, vì chính trong Bí Tích này mà nhiệm cục cứu độ được hiện thực. Nơi Bí tích Thánh Thể diễn tả một chiều dài lịch sử cuộc sống của Đức Giêsu. Hạt giống được gieo trong ngày nhập thể nay được trổ sinh những gié lúa hồng ân mà đỉnh cao nằm ở biến cố Vượt Qua. Bởi lẽ Người đã phải chịu huỷ mình ra không, bị ruồng bỏ và bị giết chết. Rồi cái chết đã dẫn Ngài đến Phục Sinh và tuôn đổ Thánh Thần. Nhờ đó, mạc khải cho chúng ta biết Ba Ngôi trong Bí Tích Thánh Thể là Thiên Chúa Tình Yêu.
Sống Bí Tích Thánh Thể và sống mầu nhiệm Nhập thể là chấp nhận một cuộc hoán cải để con người được thần hoá: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 21). Người Kitô Hữu được thần hoá khi đi vào mầu nhiệm Vượt qua mà họ cử hành trong Thánh Lễ và khi hoà nhập vào tình yêu của Ba ngôi trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Thể, bảo chứng tình thương của Ba Ngôi nhằm cho con người có sự sống của Ba Ngôi, vì Thánh Thể là cuộc tưởng niệm về sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính Ngài đã chọn thời gian Vượt Qua: “đến ngày lễ bánh không men…” (Lc 22, 7-20) để lập Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu mang lại cho lễ Vượt qua của Do Thái Giáo một ý nghĩa chung cuộc của nó.
Trong Thánh Thể, Ngài đến và ở giữa chúng ta. Nhưng đối với Cha, thì Ngài về cùng Cha. Khi chúng ta cử hành mầu nhiệm vượt qua với người, chúng ta cùng đi với Người về cùng Cha. Càng đi với Người, chúng ta cùng xiết chặt tình huynh đệ với Người và càng xứng đáng gọi Thiên Chúa là Cha Abba, Lạy Cha!
3.…để chúng ta được làm con Thiên Chúa
Cử hành Thánh Thể là cử hành việc Chúa Cha đón chờ Đức Kitô, ôm ấp Đức Kitô, nhận Đức Kitô làm Con, và nhận chúng ta làm dưỡng tử. Giáo Hội sẽ không là gì khác hơn là sự tiếp tục và sự hiện diện hữu hình của Ba Ngôi: Chúa Cha Đấng hiện hữu với Đức Kitô và trong Thánh Thần cũng như với Thánh Thần trong Đức Kitô cho tới thời gian viên mãn. Nếu Đức Kitô Nhập Thể, Ngài sẽ hiện thực và tỏ lộ mầu nhiệm của Ngài trong và bởi Thánh Thần. Và Thánh Thần, chính Ngài, “nhập thể” trong Giáo Hội, tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô và tỏ hiện mầu nhiệm của Ngài trong, bởi và với Đức Kitô. Chính Thánh Thần ban cho chúng ta Đức Kitô trong Nhập Thể; cũng vậy, chính Đức Kitô ban cho chúng ta Thánh Thần bởi lời hứa. Thực vậy, giữa Ngôi Con và Thánh Thần, giữa Ngôi Lời và Thần Khí có một sự tương hỗ thần linh nhằm để diễn tả và hiện thực hoá sự viên mãn của ơn Cứu độ theo ý muốn của Thiên Chúa Cha. Ơ đây chúng ta “đụng chạm” tới sự hiện hữu của Ba Ngôi trong lịch sử Cứu độ nơi mà chúng ta được thừa nhận làm con theo nghĩa: Đức Giêsu là trưởng tử, còn chúng ta hết thảy là em của Ngài trong Cha, Con và Thánh Thần
Với tư cách làm con, chúng ta hiệp thông với Đức Kitô Tử Nạn-Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể, để nhờ Ngài mà hiệp thông với Cha. Để rồi, với một cuộc sống của một người con luôn hướng về Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta có thể đến với anh em cách trọn vẹn. Chúng ta dám ra khỏi giới hạn của mỗi cá nhân để xuất hành vì tình yêu và như tình yêu đòi hỏi.
Với tư cách là con, mỗi lần tham dự cử hành Bí Tích Thánh thể là một cử hành việc Chúa Cha tuôn đổ hồng ân xuống cho chúng ta. Chúa Cha trao ban Chúa Kitô cho chúng ta. Một lần cử hành là một lần đón nhận món quà quý nhất của Thiên Chúa Cha, là Đức Kitô, hình ảnh của Cha, bản thể từ bản thể của Cha. Chúa Cha đã phó nộp Con của Ngài cho chúng ta, thì lẽ nào Ngài còn tiếc với chúng ta điều gì? (Rm 8,32). Cử hành Bí Tích Thánh Thể là cử hành lòng thương bao la của Chúa Cha, nên về phía chúng ta, đó là cử hành nghi lễ tạ ơn Cha. Tạ ơn Cha vì Đức Kitô và trong Đức Kitô. Thái độ tạ ơn chân thành nhất là kính cẩn đón nhận hồng ân. Đón nhận hồng ân là đón nhận thi ân. “Ai tiếp đón Ta là tiếp đón Đấng đã sai Ta” (Mt 10, 40). Những từ hy lạp eucharistein (Lc 22, 19; 1Cr 11, 24) và eulogein (Mt 26,26; Mc 14, 22) nhắc tới lời chúc tụng của Do Thái giáo để tung hô các kỳ công của Thiên Chúa: đó là việc sáng tạo, cứu chuộc và việc thánh hoá. Thánh Thể: bữa tiệc ly: bữa tiệc trước ngày Chúa Giêsu chịu khổ nạn và bữa tiệc Cánh chung của Con Chiên tai Giêrusalem ở trên Trời.
Nơi Thánh Thể trình bày cao điểm mầu nhiệm Nhập Thể, khi mà Thánh Thần là năng lực tình yêu, khiến Đức Giêsu đến với chúng ta, thì cũng chính Thánh Thần này làm cho chúng ta đi tới được Chúa Cha. Không có Thánh Thần thì không có Đức Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể, không có Đức Kitô đến với chúng ta. Cử hành Thánh Lễ là cử hành việc Thánh Thần đưa Đức Kitô đến từ nơi Cha, và đưa Đức Kitô đi về cùng Cha. Thánh Thần tháp nhập chúng ta vào Đức Kitô, để chúng ta đi cùng với Ngài về cùng. Cử hành Thánh Thể là cử hành việc Đức Kitô nên một với Chúa Cha nhờ Hy tế Thập giá; cử hành năng lực tình yêu kết hiệp Cha và Con. Trong phần kể lại việc lập Phép Thánh Thể, sức mạnh của những lời nói và hành động của Chúa Kitô cũng như quyền năng của Chúa Thánh Thần khiến cho Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện cách mầu nhiệm dưới hình bánh và hình rượu, theo lễ hy sinh của Ngài dâng trên Thập giá một lần là đủ. Trong phần tưởng niệm sau đó, Giáo Hội nhớ lại cuộc khổ nạn, sự Sống Lại và ngày trở lại vinh quang của Chúa Giêsu: Giáo Hội dâng lên Chúa Cha lễ hy sinh của Con Ngài đã giao hoà chúng ta với Ngài.
Hồng ân được làm Con Thiên Chúa cho chúng ta được thông phần vào sự sống thần linh của Ngài. Chúng ta ngày càng thêm toàn hảo nếu chúng ta được thông phần trọn vẹn với sự sống của Thiên Chúa. Và đó là điều mà Thiên Chúa muốn vì Đức Kitô được sai đến “để cho chúng ta được sống và sống viên mãn”. (Ga 10, 10). Nhờ đó, qua Bí tích Thánh Thể chúng ta thắt chặt mối giây hiệp nhất và bác ái trong mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Vì Thánh Thể chứa đựng tất cả kho báu thiêng liêng của Giáo Hội, tức chính bản thân Chúa Kitô, lễ Vượt qua của chúng ta. Thánh Thể nói lên và thực hiện sự hiệp thông vào sự sống Thiên Chúa: “Quả thật, quả thật, Ta bảo cho các ngươi biết, nếu các ngươi không ăn Thịt và uống Máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi” (Ga 6, 53). Nhờ việc cử hành Thánh Lễ, chúng ta được cử hành với phụng vụ trên Trời và được thấy trước được sự sống vĩnh cửu sẽ diễn ra khi Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người. Thánh Thể là tóm tắt tổng luận đức tin của chúng ta. Thế nên: “Ai ăn bánh và ly rượu của Chúa cách bất xứng, sẽ phải trả lẽ về Mình và Máu Chúa. Vậy mỗi người hãy tự xét mình và rồihãy ăn bánh này và uống ly này. Bởi vì ai ăn và uống mà không phân biệt đây là Mình Chúa, thì ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11, 27-29).
Kết luận
Tín điều về Ba Ngôi là công trình của tư duy thần học xuất phát từ biến cố Nhập thể. Thánh Augustino khẳng quyết: “Nếu bạn thấy tình yêu muôn thuở, bạn thấy Chúa Ba Ngôi, vì Ba vị: Đấng yêu thương, Đấng được yêu thương và tình yêu của các Ngài”. Như vậy sống với sự hiện diện của vị Thiên Chúa ở giữa chúng ta là vươn tới sự hoàn hảo, nói khác đi là vươn tới một lối sống thánh thiện. Ngôi Lời của Thiên Chúa đã làm người để dạy chúng ta sống như Chúa Ba Ngôi, sống một đời của Chúa Con trong cung lòng của Chúa Cha nhờ sức mạnh của Thánh Thần. Sống cuộc sống của Chúa Ba Ngôi, chính là sống thương yêu như Chúa dạy “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (Ga 15, 12) Để rồi nhờ sự gặp gỡ thân tình của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta sẽ có một sức năng động Truyền Giáo mới mẻ và bất tận từ Ba Ngôi trong cuộc sống đời thường.
Muốn được như thế, chúng ta phải xác tín vững mạnh vào Thánh Thể và xem việc cử hành Thánh Thể như là trung tâm sinh hoạt cơ bản của Giáo Hội. Hằng ngày chúng ta có Thánh lễ của mọi thế kỷ. Chúng ta cần luôn ý thức và xác tín rằng: “Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta và chúng ta đã tin vào Tình yêu đó”. (1 Ga 4, 16). Để rồi, chỉ còn nơi chúng ta một cảm nghiệm trong lời tuyên xưng mới mẻ: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, chứ không phải là một thái độ bướng bỉnh và ngoan cố: “Lời nói khó nghe quá ai mà nghe được”.(Ga 6, 60) Vẫn biết rằng Thánh Thể và Thập giá là những hòn đá vấp: “Chính anh em cũng muốn bỏ đi sao?” (Ga 6, 67). Nhưng hãy chìm sâu trong tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa với trọn niềm xác tín vào Đức Giêsu, vì “Ngài có lời nói của sự sống vĩnh cửu” (Ga 6, 68).
Sr. Agnès Hoàng Thị Hòa