Bất cứ một công việc gì cũng có những điểm thuận lợi và những điểm khó khăn. Trong vấn đề huấn luyện những khó khăn luôn luôn hiện hữu. Khó khăn đến từ đâu? Khó khăn đến từ hai phía, phía nhà huấn luyện và người thụ huấn. Ở đây xin lấy lại những tư tưởng của một số nhà huấn luyện có kinh nghiệm đưa ra những nhận xét về những khó khăn trong việc huấn luyện. Khó khăn không có nghĩa là chúng ta không bao giờ làm việc huấn luyện, nhưng ngược lại khó khăn để giúp chúng ta khiêm tốn nhận ra vai trò là khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa.
I/ Những khó khăn về phía nhà huấn luyện
Nhiều người cảm thấy thiếu kiến thức chuyên môn, ít kinh nghiệm, tay nghề yếu, kém khả năng đối thoại và chưa đáp ứng yêu cầu của người trẻ. Do đó chưa thể đồng hành thực sự và đáp ứng nhu cầu của các thụ huấn sinh. Vì thế, nhà huấn luyện chỉ đề cập đến vấn đề kỷ luật hay nhắc nhở cách chung chung. Trong công việc huấn luyện của họ thường có những khó khăn, khó khăn đến từ chính bản thân và trong ban huấn luyện:
Những khó khăn đến từ bản thân:
– Vì khả năng và kiến thức quá giới hạn mà phải đảm trách công tác huấn luyện cho một thế hệ trẻ kiến thức cao hơn và một xã hội thay đổi không ngừng, nên một số người thấy hụt hẫng.
– Có người tự cảm thấy chưa đủ nội lực và bình an nội tâm để giúp người thụ huấn đón nhận và lớn lên trong ân sủng.
– Đại đa số quá bận rộn, không còn thời giờ để trao đổi và đồng hành với từng em.
– Có khuynh hướng phóng đại khuyết điểm của người thụ huấn.
– Bao bọc ứng sinh quá cẩn thận, hầu như không được tự quyết điều gì, nhưng hoàn toàn lệ thuộc vào quyết định của người huấn luyện.
Khó khăn đến từ đội ngũ huấn luyện:
– Đường hướng huấn luyện trong Hội dòng thiếu sự thống nhất.
– Những khó khăn trong việc cộng tác và phân chia công việc, vì những giới hạn về tính tình và thiếu kinh nghiệm làm việc chung của đôi bên.
– Nhiều khi hiểu lầm và xích mích nhau về những chuyện không đáng.
– Khác biệt về kiến thức, kinh nghiệm, tính tình, quan điểm và tuổi tác.
– Có cộng tác viên làm việc thiếu sự nhiệt tình, có cộng tác viên rất nhiệt thành, nhưng quá khắt khe, thiếu thông cảm với những khó khăn của người thụ huấn trong giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, một số người cho rằng người Việt Nam rất thành công khi làm việc một mình, nhưng thất bại khi phải làm việc chung với người khác. Tại sao? Chắc chắn có nhiều lý do, nhưng một lý do cơ bản là chúng ta sợ, sợ mất quyền hành, sợ người khác hơn mình, sợ vì phải san sẻ lợi lộc cho người khác.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng trên? Để có thể làm việc chung và làm cách có hiệu quả, chúng ta phải tin tưởng các cộng sự viên của mình trước khi họ chứng minh họ xứng đáng niềm tin của chúng ta. Chúng ta phải nhìn thấy những mối lợi do sự làm việc chung mang lại hơn là những gì chúng ta phải mất. Hơn nữa, trước khi trao công việc, chúng ta cần có sự chuẩn bị tương đối, ở đây xin nêu lên ba điều cần:
1. Các nhà huấn luyện cần học những khóa đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn để họ thấy tự tin khi nhận lãnh trách nhiệm. Nói cách khác Hội dòng cần chuẩn bị nhân sự, cần người nối tiếp cho công tác huấn luyện.
2. Khi trao công việc, cũng nên trao cho nhà huấn luyện những quyền hạn trong phạm vi của họ. Họ là những người đại diện Bề trên cao cấp để giải quyết vấn đề, nếu cần nên cho họ biết trước những giới hạn về quyền hành của họ.
3. Việc huấn luyện cũng cần đến những phương tiện, vì thế nên giúp mọi phương tiện, để họ có thể thi hành sứ vụ được trao phó.
II/ Những khó khăn về phía thụ huấn sinh
1. Những yếu tố tích cực
– Một cái nhìn chung, người trẻ hôm nay ham học hỏi và có mặt bằng tri thức cao hơn ngày xưa. Các Hội dòng thường nhận các em đã tốt nghiệp phổ thông hoặc đã xong chương trình đại học. Điều này cho thấy các ứng sinh có tinh thần cầu tiến và thích ứng mau lẹ với những biến đổi của thời đại. Họ năng động, nhiều sáng tạo, thích đổi mới và tiếp thu nhanh những cái mới.
– Nhiệt thành, quảng đại, hăng say.
– Hiểu rõ vai trò của tri thức trong xã hội tương lai cũng trong việc thăng tiến bản thân.
– Thích tự lập, có bản lãnh, tự tin, thẳng thắn, dám nói, dám làm.
– Hướng về các giá trị thực tế.
– Nhạy cảm trước những gì liên quan đến nhân phẩm, nhân quyền, tự do, dân chủ, công bằng…
– Dễ trao đổi, thảo luận và cộng tác với nhau.
– Nhiều thao thức về tương lai của đất nước, của Giáo hội, của Hội Dòng và của chính bản thân.
– Biết phân tích, nhận định và cũng biết phục thiện
2. Những yếu tố tiêu cực
– Đại đa số người trẻ hôm nay óc thực dụng cao, tính toán chi li và lo cho chính mình hơi nhiều.
– Bị ảnh hưởng quá nhiều bởi xã hội tiêu thụ, có khuynh hướng chạy theo thời, hướng ngoại, đua đòi với người trẻ “bên ngoài” về nhiều phương diện.
– Thiếu sự giáo dục nghiêm túc trong gia đình, vì vậy có nhiều lỗ hổng về nhân bản, thái độ sống, cách ứng xử, nếp sống cũng như lối nghĩ.
– Một số em thiếu lòng đạo đức, ý hướng tu trì lệch lạc hay không trong sáng, rất dễ chống đối, nhất là khi người đó có chỗ dựa vững chắc nơi bề trên.
– Một số thiếu tinh thần dấn thân, tìm thăng tiến bản thân và an toàn về đời sống vật chất. Cá nhân chủ nghĩa cao và ít nhạy cảm trước khổ đau của người nghèo.
– Quá say mê học hành đến độ mất quân bình giữa yêu cầu phát triển tri thức và tinh thần tu trì.
– Thiếu chân thành, đạo đức giả.
– Hay chối quanh, thường bao che cho nhau. Cố chấp, ít khi can đảm nhận lỗi và khả năng sửa đổi còn chậm.
– Thiếu tin tưởng nơi nhà huấn luyện và sợ bị loại khiến một số em sống khép kín, nhiều khi đóng kịch, sống dựa dẫm, nín thở qua cầu.
– Một đôi khi đề cao quá đáng giá trị của công bằng và nhân phẩm đến độ đánh mất ý nghĩa của lòng tận tụy, nhân ái, quảng đại, hy sinh.
– Thường ngôn hành bất nhất: nói một đàng làm một nẻo, nói thì rất hay nhưng ít khi mó tay vào, vui đó rồi buồn đó, hăng say nhiệt thành nhưng cũng dễ nản chí, bất mãn, chán nản, buông xuôi…
– Những ơn gọi lớn tuổi, đã tự lập và đã có nghề nghiệp là một ân huệ, nhưng đồng thời cũng là thách đố cho Hội dòng, vì họ đã trưởng thành trong xã hội, cộng thêm một số tập quán, lối sống, nếp nghĩ không mấy phù hợp với đời tu.
Tạm kết
Nhìn vào những khó khăn trên chắc có người sẽ nản lòng thoái lui khi đảm trách công việc huấn luyện, nhưng hãy can đảm không ngại khó vì công việc trồng người bao giờ cũng lắm gian truân. Nếu chúng ta có kinh nghiệm trồng cây cảnh, cây ăn trái…, chúng ta sẽ rút ra một điều để có được vườn hoa đẹp, có những trái ngon ngọt, người làm vườn phải chăm sóc, tưới, tỉa, bón phân, nói tắt lại đó là phải kiên nhẫn và chăm chỉ. Vì thế, trong việc huấn luyện xin đừng nản lòng, nhưng hãy luôn hy vọng vì ta chỉ là khí cụ của Chúa Thánh Thần, việc thu hoạch mùa màng ở nơi Thiên Chúa.
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh