Những nẻo đường theo Chúa Kitô

0

PHẦN I: MỘT DỰ PHÓNG CAO CẢ

“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất… Thiên Chúa sáng tạo con người, theo hình ảnh mình” (St 1,1.27)
“Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ?” (Tv 8,5)
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một., không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ ” (Ga 3,16-17).

ĐƯỢC GỌI ĐỂ NÊN THÁNH VÀ PHỤC VỤ

Lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người đã đi vào một dòng lịch sử rất dài, tới tận buổi khai nguyên. “Lúc khởi đầu.”

Lịch sử ấy thống nhất được là do tình yêu. Con người được tạo dựng để yêu thương. Mọi người được dựng nên để sống với nhau.

Điều đó tương tự như một mãnh lực bên trong, một năng lực ẩn khuất mà ai cũng cảm nhận được. Thế rồi, con người cứ dò dẫm tìm cách đi tới tận nguồn của lực ấy. Chiều kích tôn giáo của mỗi người đã tìm được cách diễn tả cho mình nơi các trào lưu tôn giáo đông đảo.

Nếu theo đức tin Ki-tô giáo, mà chúng ta đã tiếp nhận được trong gia đình hay qua một lần “cải đạo”, chúng ta khẳng định cội nguồn ấy đã được biểu lộ nơi Đức Giê-su Ki-tô, thì về phần mình, Hội Thánh Công Giáo cũng nhìn nhận những gì chân thật và thánh thiện nơi mọi tôn giáo (Vatican II).

Thế nên, trong tư cách ki-tô hữu – thành viên của cộng đoàn nhân loại – một cộng đoàn hợp nhất nhưng đa dạng – chúng ta sẽ quan tâm tới các niềm tin tôn giáo khác, với tinh thần huynh đệ đại đồng.

Thái độ ấy không phải muốn có hay không cũng được. Tránh né thái độ ấy là phản bội sứ điệp của Tin Mừng, là không chịu mở lòng mình ra cho tha nhân, không chịu đón nhận tha nhân, không chịu tôn trọng các giá trị của tha nhân.

Nếu theo tinh thần ấy, chắc hẳn chúng ta sẽ mong muốn hiểu rõ hơn sự đa dạng của các nẻo đường mà Chúa Ki-tô đã đề nghị với mỗi người chúng ta.

“Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng, tùy theo mức độ Đức Ki-tô ban cho….Chính Ngài đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,7… 11-13).

HAI CÁCH TIẾP CẬN

Mầu nhiệm Giáo Hội vừa đơn giản vừa phức tạp. Muốn nắm được sự sâu xa của mầu nhiệm ấy, trong phần đầu này, chúng ta sẽ đi vào hai viễn tượng, hoặc theo hai cách tiếp cận thực tại ấy, hai viễn tượng và hai cách thế vừa bổ túc cho nhau vừa không thể tách rời nhau.

Tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh. Nên thánh là một cách biểu lộ “bản chất” của chính Giáo Hội. Nên thánh là sống dưới tác động của Thánh Thần, không những theo phương cách của Đức Giê-su Ki-tô mà còn kết hợp với Ngài, đáp lại tình yêu của Chúa Cha và chia sẻ tình yêu cứu thế của Chúa Cha nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô. Đó là cách tiếp cận thứ nhất đối với mầu nhiệm Giáo Hội.

Giáo Hội còn phải được qui tụ lại trong hiệp nhất, nơi đó phải diễn ra tác vụ kêu gọi và sai đi, Giáo Hội ấy phải ý thức về chính mình, về bổn phận “có mặt trong thế giới”, về sức mạnh truyền giáo của mình. Muốn vậy, Giáo Hội phải tạo cho mình có những thừa tác viên và các tông đồ. Như thế, mọi người đều được mời gọi phục vụ. Bổn phận mỗi người là dấn bước trên con đường riêng của mình. Đó sẽ là cách tiếp cận thứ hai của chúng ta.

Đừng quên có sự “giao thoa bên trong” của hai chiều kích này. Cả hai chiều kích này đều liên quan đến tất cả mọi người đã chịu phép Rửa Tội. Không có chức vụ nào hay công tác nào trong Giáo Hội mà không là “nơi để nên thánh”. Không có sự thánh thiện nào mà không là động cơ thúc đẩy chúng ta dấn thân phục vụ công cuộc truyền giáo. Chỉ cần lấy một thí dụ : chính việc thi hành tác vụ bắt các giám mục, linh mục và phó tế, một cách đặc biệt phải trở nên đồng hình đồng dạng với con người Đức Giê-su Ki-tô.

“Tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô, bất luận sống trong hoàn cảnh và bậc sống nào, cũng đều được Thiên Chúa mời gọi, mỗi người mỗi con đường, trở nên thánh, một sự thánh thiện mà đỉnh cao là chính sự hoàn thiện của Chúa Cha” (Vatican II, “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 11)

“Anh em hãy trở nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).  

Tác giả: GÉRARD MUCHERY
Bản dịch Việt Ngữ của Linh mục Phêrô Đặng Xuân Thành

Muội Muội sưu tầm (Còn nữa)

Comments are closed.

phone-icon