Thánh hiến và sứ vụ

0

Cùng nhịp bước với Giáo hội hoàn vũ mừng năm “Đời sống Thánh hiến”, thiết tưởng đây cũng là cơ hội thuận tiện để dừng lại suy nghĩ về căn tính của đời tu. Trong tình trạng tục hóa của thế giới hôm nay, có thể nói thách đố quan trọng của đời tu là thách đố về căn tính. Vậy đâu là căn tính của đời sống thánh hiến? Dựa theo tư tưởng của Công đồng Vatican II và đặc biệt Tông huấn Vita Consecrata của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, căn tính của đời tu là “Thánh hiến và Sứ vụ”. Hai chiều kích này có mối tương quan như thế nào? Để hiểu rõ về mối tương quan giữa thánh hiến và sứ vụ, chúng ta cùng đi vào những ý tưởng của Tông huấn Vita Consecrata.

1/ Thánh hiến là gì?

Theo nguyên nghĩa, sự thánh hiến là tách rời một người hay một vật ra khỏi lãnh vực phàm tục, để dành riêng cho công việc thánh. Theo thần học Kinh thánh, từ thánh hiến được hiểu không những con người cung hiến cho Thiên Chúa cái gì đó; mà còn chính Thiên Chúa thánh hiến con người, tách rời họ khỏi tội lỗi, trở thành sở hữu của Chúa như việc Thiên Chúa tuyển chọn dân Israel.

Thánh hiến trong đời tu được hiểu như thế nào? Theo Công đồng, mọi Kitô hữu đều được thánh hiến trong bí tích Rửa tội, vậy sự thánh hiến của tu sĩ có thêm gì mới hay không? Tông huấn Vita Consecrata đã cho thấy sự khác biệt giữa sự thánh hiến của phép Rửa và sự thánh hiến của đời tu. Sự thánh hiến của đời tu không phải là hệ quả tất yếu của sự thánh hiến của phép Rửa, vì để bước theo Chúa Kitô, họa lại nếp sống của Ngài, cần phải có một ơn gọi đặc biệt và nhờ một ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần. Ơn gọi bao hàm sự tuyển chọn và thánh hiến[1]. Ân huệ này Thiên Chúa không ban cho tất cả mọi người, như chính Chúa Giêsu đã nói trong trường hợp độc thân tự nguyện (x. Mt 19, 10 – 12).

Bí tích Rửa tội không bao hàm một ơn gọi sống độc thân, sự từ bỏ của cải và sự vâng lời một bề trên như trong bậc sống tu trì[2]. Mọi tín hữu đều được thánh hiến qua phép Rửa và Thêm sức, còn những người sống trong đời sống tu trì “giả thiết một ơn gọi riêng và một hình thái thánh hiến đặc biệt, nhằm chu toàn một sứ mệnh riêng. Những người tận hiến tuyên giữ những lời khuyên Phúc âm, được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt, dù không phải là bí tích, nhưng ràng buộc họ chấp nhận lối sống độc thân, khó nghèo và vâng phục mà chính Chúa Giêsu đã sống và đề nghị cho các môn đệ”[3].

Sự thánh hiến là một hồng ân, hoàn toàn do sáng kiến phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa Cha (x. Ga 15, 16). Chính Ngài đã tuyển chọn và thánh hiến. Ngài mời gọi con người tiến lên trên đường trọn lành qua việc bước theo Chúa Kitô, vâng nghe lời Con yêu dấu của Ngài (x. Mt 17, 5). Để đáp trả tiếng gọi tình yêu huyền nhiệm đó, con người muốn dâng hiến toàn thân cho Ngài và cho chương trình cứu độ của Ngài (x. 1Cr 7, 32- 34). Thánh hiến để làm gì? Trong thời các ngôn sứ cũng như các môn đệ đầu tiên, chúng ta thấy rằng Thiên Chúa kêu gọi những ai Ngài muốn và sai đi thi hành sứ vụ. Vậy sự thánh hiến gắn liền với sứ vụ. Nói cách khác thánh hiến để được sai đi, sứ vụ là con đường nối tiếp và thể hiện đời sống thánh hiến.

2/ Mối tương quan mật thiết giữa thánh hiến và sứ vụ

Thánh hiến và sứ vụ là hai chiều kích làm nên đời tu, nghĩa là thiếu một trong hai, đời tu xem ra bị khập khiễng và mất đi căn tính của mình. Hai chiều kích này không thể tách rời nhau, bổ túc cho nhau. Cả hai trở nên một trong sự hiệp thông: sống sự hiệp thông sâu xa là truyền giáo[4] (số 46a). Chính ở điểm này mà đời sống thánh hiến biểu lộ tình yêu Thiên Chúa trong thế giới.

Sự thánh hiến bao hàm sứ mệnh, vì việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cũng có nghĩa là tham gia vào sứ mệnh của Ngài. Và sứ mệnh lại dẫn đến thánh hiến, vì việc truyền giáo của đời sống thánh hiến thiết yếu ở chứng tá của chính sự tận hiến[5]. Chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện[6].

Sứ mệnh của đời sống thánh hiến được xem như là sự phục vụ bác ái. Chính Thần Khí thúc đẩy người tu sĩ đảm nhận sứ mệnh của Chúa Kitô. Thật vậy, ý thức về truyền giáo thấm sâu vào tận huyết mạch của mọi hình thức tu trì, nó bao trùm mọi khía cạnh của đời sống. Sự thánh hiến luôn ẩn chứa một sứ mệnh và đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh đặc biệt của mỗi Hội dòng. Bởi vậy, việc truyền giáo là điều cốt yếu đối với mọi Hội dòng, cả những Hội dòng chuyên lo làm việc tông đồ, lẫn những Hội dòng sống đời chiêm niệm. Ý thức truyền giáo luôn là ưu tiên số một của mọi hình thức tu trì[7].

Tuy nhiên, trong xã hội tục hóa hôm nay, môi trường hoạt động tông đồ của người tu sĩ thật mênh mông, như việc truyền giáo cho lương dân, việc hội nhập văn hóa, phục vụ người nghèo, người bệnh, người neo đơn, giáo dục, truyền thông xã hội đối thoại đại kết và liên tôn. Vô số sứ vụ tông đồ đang thúc bách chúng ta. Chúng ta phải làm gì đây? Chúng ta không thể làm hết mọi việc hoặc mọi việc cùng một lúc. Chính môi trường này làm cho người tu sĩ đang đứng trước cơn cám dỗ “nghiện việc”. Điều này có nguy cơ đề cao khía cạnh sứ vụ hơn khía cạnh thánh hiến hay thậm chí chỉ nhìn có một khía cạnh duy nhất là sứ vụ. Do đó, đây cũng là thời gian để nhìn lại mình, tôi là ai? Nếu là một tu sĩ, thì tôi phải có lựa chọn nào trước những đòi hỏi của sứ vụ? Hội dòng phải lưu tâm thế nào đến hai khía cạnh thánh hiến và sứ vụ? Thiết nghĩ chúng ta cần thận trọng, phải nhận định những sứ vụ mới có bảo đảm được chiều kích thánh hiến của các tu sĩ hay không? Có làm biến dạng đặc sủng của Hội dòng không? 

Thay lời kết

Thánh hiến và sứ vụ là hai chiều kích không thể thiếu trong đời tu. Vì thế, chúng ta không thể xem nặng chiều kích này mà quên chiều kích kia hoặc ngược lại. Năm “Đời sống thánh hiến” này giúp chúng ta suy nghĩ về những việc làm của mình, giúp nhìn lại con đường đã đi và đang đi để tiếp tục bước đi trong hân hoan, trong hạnh phúc, trong việc làm chứng nhân giữa một xã hội tục hóa hôm nay. Chúng ta cùng nhau tạ ơn Chúa vì những hồng ân Ngài đã ban cho Giáo hội qua đời sống thánh hiến, khuyến khích các người tận hiến can đảm hướng đến tương lai để sống trọn vẹn sự dâng hiến của mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.

Nt. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

 

[1] ĐTC Gioan Phaolo II, Vita Consecrata (Đời sống thánh hiến) (VC), số 14, 17, 30, 31.

[2] VC số 30b.

[3] VC số 31.

[4] VC số 46a.

[5] VC số 76.

[6] VC số 32, 35

[7] VC số 19, 25, 72.

Comments are closed.

phone-icon