Đời thánh hiến, dấu chỉ và chứng từ của Nước Đức Kitô

0

Bài 14 trong loạt 19 bài  Huấn giáo về Đời sống Thánh hiến của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

1. Sau khi mô tả về ơn gọi tu trì, Công Đồng Vatinanô II khẳng định: “Việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm thực là một dấu chỉ có thể và phải lôi cuốn hữu hiệu tất cả mọi chi thể của Giáo Hội đến việc can đảm chu toàn ơn gọi làm Kitô hữu” (HT 44). Điều này có nghĩa rằng sự dấn thân triệt để của những người thánh hiến trong việc bước theo Đức Kitô khuyến khích mọi Kitô hữu hãy ý thức cách sống động hơn ơn gọi của mình, và trân trọng vẻ đẹp của nó nhiều hơn nữa; giúp cho họ chấp nhận cách vui tươi những cam kết thuộc về ơn gọi của mình, và thúc đẩy họ đảm nhận những trách vụ đáp ứng những nhu cầu cụ thể của hoạt động tông đồ và bác ái. Vì thế đời sống thánh hiến là một dấu chỉ tăng cường sự can đảm của mọi người trong việc phục vụ Nước Chúa.

2. Chúng ta hãy tìm cách đào sâu nội dung của giáo huấn Công Đồng về vấn đề này. Trước hết chúng ta có thể nói rằng, vào thời nay cũng như trong hết mọi thời của lịch sử Kitô giáo, bậc sống tu trì làm cho lối sống đã được Con Thiên Chúa nhập thể đảm nhận trở nên hiện thực. Vì thế đời tu giúp khám phá rõ hơn Đức Kitô của Tin Mừng (LG 44). Những ai đang bước theo Đức Giêsu, từ bỏ tất cả vì Người, thì gợi lại hình ảnh các tông đồ, những kẻ xưa kia đã từ bỏ tất cả để đáp trả lời mời gọi của Người. Vì thế truyền thống thường nói về đời tu như là “lối sống các tông đồ” (apostolica vivendi forma). Hơn nữa, theo gương của Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê và các tông đồ, những người thánh hiến bắt chước và lặp lại cuộc sống theo Tin Mừng mà Thầy chí thánh đã sống và đã đề nghị; họ làm chứng cho Tin Mừng như là một thực tại luôn luôn sống động trong Giáo Hội và thế giới. Theo nghĩa này, họ cũng thực hiện lời của Đức Giêsu Kitô nói với các tông đồ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8).

3. Công Đồng thêm rằng: “Bậc tu trì cho ta thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Chúa Kitô Vua và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội” (GH 44). Nói cách khác, đời sống theo các lời khuyên Phúc Âm biểu hiện sự uy nghi siêu vượt của Một Chúa Ba Ngôi, và đặc biệt, chương trình cao cả của Chúa Cha đã muốn con người dâng hiến trọn bản thân mình như lời đáp trả của con thảo đối với tình yêu vô biên của Ngài. Đời tu bộc lộ sức quyến rũ của Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, Đấng chiếm hữu trọn cuộc đời để nâng cao nó lên vượt bực nhờ thông dự vào mầu nhiệm đời sống Ba Ngôi. Đồng thời đời tu cũng là dấu chỉ của quyền năng biến đổi của Chúa Thánh Thần, Đấng tuôn đổ trên mọi linh hồn những ân huệ của Tình yêu vĩnh cửu, thực hiện nơi linh hồn những việc lạ lùng của công trình cứu chuộc và thúc đẩy con người đến sự đáp trả cao nhất bằng đức tin và sự vâng phục trong tình yêu con thảo.

4. Vì những lý do ấy mà đối với các tín hữu được kêu gọi sống giữa trần thế, đời thánh hiến là dấu chỉ và chứng từ cho vận mệnh đích thực của thế giới; vận mệnh này vượt quá tất cả những viễn ảnh cụ thể ngay trước mắt, cho dù là như hợp pháp và bó buộc. Theo Công Đồng: “Các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quý rằng thế giới này không thể biến đổi và cung hiến cho Thiên Chúa, nếu thiếu tinh thần các mối phúc thật” (GH 31).
Bậc tu trì nhằm mang ra thực hành, và giúp khám phá và yêu mến các mối phúc Tin Mừng, khi cho thấy hạnh phúc sâu xa mà họ đạt được nhờ việc từ bỏ và hy sinh. Như Công Đồng nói, đời tu là một chứng từ “sáng ngời”, bởi vì phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa lan toả lời nói, việc kêu gọi, và “các lời khuyên” của Đức Giêsu. Ngoài ra đó còn là một chứng từ “độc đáo”, bởi vì các lời khuyên Phúc Âm, như độc thân tự nguyện hoặc khó nghèo theo Tin Mừng, tạo nên một lối sống độc đáo với một giá trị không thể nào thay thế được đối với Giáo Hội, và có hiệu lực vô song đối với tất cả những ai sống trên đời đang tìm kiếm Nước Thiên Chúa, dù trực tiếp và có ý thức hay không. Cuối cùng, nó là một chứng từ gắn liền với bậc sống tu trì: vì thế, không lạ gì mà chứng từ ấy đã rực sáng nơi những hình ảnh cao quý của các tu sĩ đã trung thành đáp trả ơn gọi của mình bằng sự hiến dâng hết tâm hồn và cuộc sống.

5. Đời thánh hiến cũng là sự nhắc nhở giá trị của những thiện hảo trên trời mà Kitô giáo dạy rằng chúng đã hiện diện rồi, trong viễn tượng của mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa từ trời xuống thế, và đã lên trời như “Ađam mới”, nguyên tổ của một nhân loại mới được mời gọi tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa. Đó là đạo lý của Công Đồng triển khai trong một đoạn văn tuyệt vời: “Bởi vì dân Thiên Chúa không đặt thành trì vĩnh viễn ở đời này nhưng đi tìm một thành trì mai sau, nên bậc tu trì giải thoát người tu sĩ khỏi những lo lắng trần tục, tỏ lộ cách hoàn hảo hơn cho người tín hữu thấy những của cải trên trời đã có ngay dưới trần gian này, và làm chứng cho cuộc sống mới và vĩnh cửu mà ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã thủ đắc, đồng thời tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời” (LG 44).
Vì vậy các lời khuyên Phúc Âm có một ý nghĩa cánh chung. Cách riêng, sự độc thân thánh hiến loan báo cuộc sống bên kia thế giới và sự kết hiệp với Đức Kitô lang quân; sự khó nghèo tìm kiếm kho tàng trên trời; cam kết sống vâng phục mở ra con đường chiếm hữu tự do hoàn hảo của những con cái Chúa, trong sự hoà hợp với thánh ý của Cha trên trời.
Do đó, những người thánh hiến là dấu chỉ và chứng nhân hưởng trước cuộc sống trên trời ngay giữa cuộc sống dưới đất. Cuộc đời dương thế này không thể nào tìm thấy sự hoàn hảo đích thực, mà phải luôn luôn hướng tới cuộc sống vĩnh cửu. Mầm mống tương lai đã hiện hữu rồi, trong ân sủng phát sinh niềm hy vọng.

6. Vì tất cả những lý do vừa nói, Giáo Hội mong ước cho đời thánh hiến được phồn thịnh luôn mãi, ngõ hầu biểu lộ rõ hơn sự hiện diện của Đức Kitô nơi nhiệm thể của Người, nơi mà hôm nay Người đang sống để đổi mới nơi các môn đệ “những mầu nhiệm” mà Tin Mừng trình bày. Cách riêng ta thấy chứng tá về khiết tịnh rất quan trọng trong thế giới ngày nay: chứng tá cho một tình yêu đối với Đức Kitô cao cả hơn mọi tình yêu khác, cho ân sủng vượt lên trên sức mạnh của bản tính con người, cho tinh thần cao thượng không để mình bị lôi cuốn vào những hư ảo và hàm hồ thường nằm trong những đòi hỏi của tính dục. Hai lời khấn còn lại cũng quan trọng như vậy hôm nay cũng như hôm qua: chứng từ về khó nghèo như bí quyết và bảo đảm cho sự giàu sang tinh thần cao cấp hơn, và chứng từ về vâng phục được tuyên khấn và thực hành như là nhân số của sự tự do đích thực.

7. Đức ái là chóp đỉnh của mọi nhân đức, trong đời thánh hiến cũng thế. Trước hết là mến Chúa: với đức ái, đời sống thánh hiến trở thành dấu chỉ của thế giới “được cung hiến cho Thiên Chúa” (GH 31). Trong việc hiến dâng toàn bản thân mình, bao gồm cả việc liên kết cách ý thức và trìu mến với hy lễ cứu chuộc của Đức Kitô, các tu sĩ mở ra cho thế giới con đường hạnh phúc đích thật, đó là hạnh phúc của các mối phúc Tin Mừng.

Thứ đến, đức ái đối với tha nhân được biểu lộ: nơi tình yêu hỗ tương giữa những người sống trong cộng đoàn, nơi việc tiếp đón và hiếu khách, nơi việc giúp đỡ những người nghèo và mọi người bất hạnh, và nơi việc dấn thân tông đồ. Đây chính là chứng từ có tầm quan trọng thiết yếu, để mang lại cho Giáo Hội một khuôn mặt chân chính theo Tin Mừng. Những người thánh hiến được kêu gọi làm chứng và truyền bá “lời loan báo đã nghe từ lúc khởi đầu: chúng ta hãy yêu thương nhau” (1Ga 3,11), họ trở thành những người tiên phong của “nền văn minh tình thương” hằng ước mong.

Sr. Maria Đinh Thị Sáng chuyển ngữ từ nguyên bản Tiếng Ý.
Trích từ Theo Chúa Kitô II, Học viện Đa Minh, 2006

Comments are closed.

phone-icon