Đau khổ – Suy niệm CN XXII TN năm A

0

CHÚA NHẬT 22 NĂM A

1a

LỜI CHÚA: Mt 16, 21- 27

Bài tin Mừng hôn nay Chúa mời gọi chúng ta hãy bước theo Chúa trên đường khổ giá khi Ngài loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất. Con đường đau khổ mà Chúa đặt ra cho mỗi người chúng ta không dễ dàng để chấp nhận. Đôi khi chính chúng ta cũng nổi loạn khi thấy cuộc đời luôn luôn là ba chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh. Nhưng giữa những con sóng cuộc đời đó, Chúa vẫn không khoan nhượng không o bế, nhưng Ngài nói thẳng với chúng ta như nói với Phê-rô và các môn đồ: “ Ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác Thập Giá hằng ngày mà theo Ta.”

Chị bạn tôi nhà nghèo, bố mẹ chị được bốn người con: hai gái, hai trai sinh đôi. Nhưng khi lên bốn tuổi thì một người em trai song sinh kháu khỉnh, ngoan hiền được Chúa gọi về. Nghe tin một em bé chết, tôi tò mò đến xem dẫu chưa hiểu được hết chiều sâu những nỗi buồn của người lớn. Tôi còn nhớ mẹ chị ra cửa đón chúng tôi và nói: Các cháu ơi, em Hùynh chết rồi! Rồi mẹ chị ngồi xuống bên giường em khóc nức nở. Chúng tôi cũng gạt nước mắt theo. Ngày ấy tôi chỉ biết một điều là cả gia đình chị đau khổ trong sự mất mát lớn lao này. Một bầu khí nặng nề lặng lẽ bao trùm gia đình chị. Người hàng xóm đến chia buồn rất đông nhưng không làm dịu được màu tang tóc, mà có khi còn tăng thêm nỗi sầu cho gia đình vì sự hiện diện của chúng tôi, những em nhỏ của gia đình may mắn. Nhìn thấy chúng tôi, mẹ chị lại càng gào to hơn. Có thể sự hiện diện đơn sơ của chúng tôi làm bà nhớ con: Tại sao những đứa trẻ kia sống mà con tôi chết?

Thời gian trôi qua, nỗi nghiệt ngã của gia đình chị cũng nhạt nhòa theo thời gian. Gia đình chị bỏ xứ Anh đào dọn xuống miền Hố nai. Tại đây tôi có nhiều dịp đến thăm bố mẹ chị. Mẹ chị bây giờ mắc bệnh run và liệt toàn thân. Em trai chị vừa lo kế sinh nhai gia đình vừa phục vụ mẹ. Sau một thời gian tôi đến thăm, tôi giật mình khi nhìn thấy thập giá năm xưa lại lặp lại nơi gia đình chị nhưng khổ lụy hơn: Mẹ chị nằm võng hai tay run rẩy, bố chị ngồi giường với căn bệnh tai biến. Quá cám cảnh với nỗi nghèo và bệnh tật, tôi thưa với Chúa: con không thể hiểu được lời mời gọi của Chúa. Rồi tôi tự đặt mình vào trường hợp của chị, tôi sẽ đón nhận thập giá này như thế nào?

Hôm nay trước khi mời gọi chúng ta theo Chúa, Chúa báo trước cho chúng ta biết là con đường Chúa sẽ đi: Con đường lên Jerusalem để chịu đau khổ và chịu chết. Không như các lãnh tụ thế gian hứa hẹn tương lai sáng lạng khi nắm quyền. Phê-rô và các môn đệ không chấp nhận Thày chiến bại như thế khi tuyên xưng Thày là Đấng Messia, Con Thiên Chúa hằng sống. Khi nói điều này Phê-rô hình dung  một Đấng Messia chiến thắng, một Đấng Messia vinh quang, một Đấng Messia biến Jerusalem thành vương quốc của mình. Nên khi Chúa Gie-su loan báo những điều sắp xẩy đến cho Ngài: Đau khổ, bị giết chết và cuối cùng phục sinh. Phê-rô bắt đầu trách Chúa: Thày ơi làm sao có thể xẩy ra điều này. Phê-rô nghĩ khi theo Thày, ông hãnh diện khi thấy Thày tỏ quyền năng trên những con bệnh, Người uy quyền trong lời nói và khôn ngoan trong cách ứng xử. Thày mình là một người tuyệt vời nên khi theo Thày, mình sẽ được bồi thường xứng đáng: “ Chúng con đã bỏ mọi sự vậy chúng con sẽ được gì.”

Các Ngài sung sướng khi theo Chúa vào thành với những tiếng tung hô ca tụng và các Ngài hi vọng Ngài sẽ tiến vào thành Thánh cách vinh quang của một vị vua chiến thắng. Sa tan cũng cùng mơ ước đó. Khi cám dỗ Ngài ở sa mạc, sa tan cũng đề nghị với Ngài hoàn thành sứ vụ của Ngài theo con đường vinh quang nhân loại: làm những điềm thiêng dấu lạ, làm một màn biểu diễn cách kỳ tích từ nóc nhà thờ xuống đất.Biểu lộ vinh quang cách hoành tráng là gọi các đạo binh thiên thần đến đỡ nâng mình. Nếu Ngài xuất hiện  như thế, dân chúng sẽ ùn ùn theo Ngài. Ngài sẽ thành công cách rạng rỡ.

Tư tưởng sai lầm này đã khiến Chúa đồng hóa Phê-rô với satan. Tại sao thế? Vì sau khi Phê-rô tuyên xưng, Chúa Giê-su loan báo cuộc khổ nạn. Cuộc loan báo này các môn đệ không thể chấp nhận. Đau khổ và sự chết không thể xẩy đến với Đấng mà Phê-rô đã từng nói: “ Lạy Chúa, xin xa con!”

Chúa Giê-su đã khiển trách Phê-rô cách mạnh mẽ: “ Sa tan hãy lui ra đằng sau Ta. Ngươi là chướng ngại vật của Ta. Tư tưởng của ngươi không phải là của Thiên Chúa nhưng là của con người.” Phê-rô, người đã tuyên xưng nhân danh các tông đồ, nhân danh toàn thể giáo hội, nhân danh toàn thể chúng ta. Và Chúa sẽ mời Ngài vào trong màu nhiệm cứu độ cách thâm sâu hơn: “ Nếu ai muốn theo Ta phải từ bỏ mình vác Thập Giá và theo Ta.” Chúng ta phải theo Chúa Ki-tô qua Thập Giá và cái chết để chiến thắng trong tình yêu. Phải mất sự sống để giữ được nó. Chúa Giê-su không hứa cho chúng ta vinh quang nhưng hứa cho chúng ta Thập giá vì Thập giá là màu nhiệm mở ra với tình yêu. Chúa Cha và Chúa Con là một trong tình yêu. Các Ngài tự hiến cho nhau và chúng ta cũng phải vào trong sự tự hiến hỗ tương này và phải quên chính mình.

Chúa Gie-su không thể bỏ qua sự đòi hỏi này. Người đối xử nghiêm ngặt với chúng ta như người đã nghiêm khắc với chính mình. Với chúng ta, Ngài nói: Chúa Cha sẽ trả cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm. Với Ngài, Ngài nói: Ta sẽ lên Jerusalem…Chúa Giê-su yêu Cha, Ngài yêu Cha hơn tất cả. Ngài chấp nhận tất cả hơn là phản bội tình yêu này.

Cuộc khổ nạn là nòng cốt của sứ mệnh Chúa Giê-su vì khi con người phạm tội, con người chống lại Thiên Chúa nên bản tính con người là sa ngã, yếu đuối. Chính trong tội mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa. Muốn giao hòa với Thiên Chúa, con người phải hủy mình, phải lột xác. Còn Chúa Giê-su, Ngài mang nhân tính của chúng ta nên Ngài mang tội của chúng ta. Và như thế, Ngài phải lột xác để cứu chúng ta.

Cuộc khổ nạn không phải là một biến cố phải chấp nhận nhưng con đường phải đi để đến phục sinh. Phục sinh có hai mặt: Niềm vui và sự sống. Và các môn đệ không thể tách rời khỏi Thày mình nhưng nối kết với nhau bởi cùng một số mệnh. Nhưng cám dỗ của các tông đồ, của Giáo Hội, của dân được chọn là nhân danh Chúa Giê-su vinh quang từ chối người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa.

Thập giá luôn gắn liền với việc từ bỏ mình. Từ bỏ mình đòi các môn đệ của Chúa Giê-su không bận tâm đến lợi ích riêng mình, không nghĩ đến mình. Họ phải như Chúa Giê-su quên mình, tập trung lợi ích cho Chúa Giê-su.

Vác thập giá là phải từ bỏ nếp sống an toàn để theo một ông thày dẫn các môn đệ đến một nơi vô định: không nhà, không nơi tựa đầu : “ Cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi tựa đầu”. Chúa Giê-su này không phải là con người thời nay chờ đợi. Họ xua trừ Ngài ra khỏi xã hội và ra khỏi gia đình mình. Nhưng dẫu con người không chấp nhận thì Thập giá vẫn ở đó, ở khắp nơi, nơi con người hiện diện để hoàn tất sứ mạng của mình.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta can đảm đáp lại lời mời gọi của Ngài là đón nhận Thập Giá trong tình yêu phó thác dẫu phải lê lết với những thương đau. Chúng ta tin rằng dẫu yếu đuối, dẫu mỏng manh, dẫu bất lực và ngay cả nổi loạn trước những khốn cùng này, thì sức mạnh của Thập Giá vẫn âm thầm làm phát sinh ơn thánh trong tâm hồn những kẻ mang thập giá. Thiên Chúa chọn sự yếu đuối và vô nghĩa để Ngài tuôn đổ ơn thánh và tình yêu của Ngài. Ý nghĩa của Thập giá là thế!

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon