Chiến Thắng của Chúa Giêsu là Nguồn Hy Vọng của Chúng Ta

0

       Trong Phép Rửa Tội, chúng ta chịu đóng đinh với Chúa Kitô và sống đời sống mới. Ngôi mộ trống bây giờ thuộc về chúng ta bao lâu nó thuộc về Chúa Giêsu.

      Bạn đã bao giờ đọc một câu chuyện trên báo về một tù nhân đang phải đối diện với sự hành quyết? Hoặc có thể bạn đã xem một bộ phim miêu tả một tù nhân bị kết án tử hình. Đó là một tình huống rất dễ xúc động và người bị kết án thường có thái độ nghiêm trang, im lặng và suy tư.

       Có lẽ anh ta đau buồn và hối hận về những điều anh đã làm. Hoặc anh ta có thể nổi giận, phản kháng rằng anh ta không đáng phải chết. Phần nhiều là anh ta sợ hãi. Bữa ăn cuối cùng của anh ta là một cơ hội đầy chua xót, vừa rất hối hận vừa tố cáo ngược lại (những người đã kết án mình), hoặc làm tê liệt số phận của anh.

       Có lẽ khó mà nghe được từ một người bị kết án nói rằng tử hình là một điều tốt cho anh ta. Anh ta cũng chẳng thể nói với các bạn anh rằng đáng lẽ anh đã phải chiến thắng thế gian – nhưng “thế gian” này đã sẵn sàng chiến thắng và giết chết anh. Anh cũng sẽ chẳng nói trước rằng những người thân yêu của anh sẽ cảm nhận niềm vui và sự bình an tuyệt đối sau khi anh đã qua đi. Ngay cả nếu anh đã cố gắng giữ được can đảm trên khuôn mặt, thì bạn sẽ vẫn nhìn thấy những dấu hiệu sợ hãi ẩn phía sau vẻ mặt ấy.

      Một Người vì Những Người Khác. Đây là điều làm cho Bữa Ăn Cuối Cùng quá ý nghĩa. Chúa Giêsu biết rằng Ngài phải bị bắt, bị tra tấn và bị đóng đinh. Ngài biết rằng Giuđa sẽ nộp Ngài cho các nhà cầm quyền, rằng Phêrô sẽ chối không biết Ngài và tất cả những môn đệ còn lại sẽ bỏ rơi Ngài.

      Cho dẫu phải đối diện với tất cả những điều phũ phàng này, Chúa Giêsu đã không dùng bữa ăn cuối cùng ấy để tập trung vào con đường cô đơn, sợ hãi đang đặt ra trước mặt Ngài. Trái lại, Ngài tập trung vào các bạn hữu của mình, cho dẫu họ đã tỏ ra là những con người yếu đuối và tội lỗi. Chúa Giêsu đã tận hiến những giờ phút còn lại của đời mình để chăm sóc cho nhóm những người nam và nữ sắp bị phân tán bởi cái chết của Ngài.

      Chúa Giêsu làm điều đó như thế nào? Bằng cách trao ban những lời đầy hy vọng cho họ. Những người mất niềm hy vọng khi cho rằng họ không có tương lai. Chúa Giêsu biết rằng cái chết của Ngài sẽ làm cho các môn đệ nghĩ rằng họ đã hoang phí suốt ba năm theo Ngài. Ngài cũng biết rằng ước mơ về vương quốc Thiên Chúa của các môn đệ đã bị xụp đổ. Làm sao có thể có một vương quốc nếu vị vua giả định của nước ấy đã không thể bảo vệ cho chính mình và những kẻ theo mình? Làm sao có thể có một tương lai và làm sao họ có thể đặt niềm hy vọng của họ vào sau những điều này?

       Để trả lời những câu hỏi này, Chúa Giêsu đã cố gắng chỉ cho các môn đệ thấy rằng cuộc sống sẽ như thế nào đối với họ sau ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngài đã cố gắng chỉ cho họ thấy những khủng hoảng trước mắt để họ có thể nhận ra rằng họ vẫn có một tương lai tràn đầy hy vọng. Có lẽ nếu chúng ta nhìn kỹ hơn vào những lời hứa của Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể nhìn thấy niềm hy vọng và đó cũng chính là niềm hy vọng của chúng ta.

       Niềm Hy Vọng Thiên Đàng (Nước Trời). Trước hết và hầu như hiển nhiên, lời hứa mà Chúa Giêsu đã thực hiện là lời hứa về thiên đàng. Ngài nói với các môn đệ rằng “Lòng anh em đừng xao xuyến. Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,1-2). Ngài hứa rằng Ngài sẽ trở lại và đem họ đi với Ngài mãi mãi. Trong ý nghĩa đó, mọi lời Chúa Giêsu đã nói và mọi việc Chúa Giêsu đã làm đều xoay quanh vấn đề thiên đàng. Mọi phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện cũng chỉ ra cách chúng ta sẽ được biến đổi trên thiên đàng thế nào. Mọi giáo huấn Chúa Giêsu giảng đều dạy chúng ta phải sống thế nào để chúng ta có thể mang thiên đàng vào trần gian này. Và mọi dụ ngôn Chúa Giêsu kể đều vẽ lên một bức tranh về cuộc sống mà Thiên Chúa muốn tuôn đổ xuống trên chúng ta – một cuộc sống hoàn hảo tròn đầy và Chúa Giêsu sẽ trở lại để đem tất cả chúng ta vào trong vương quốc của Ngài.

       Lời hứa này – để chuẩn bị một chỗ trên thiên đàng – là điều mà Chúa Giêsu thực hiện cho mỗi một người được rửa tội nhân danh Ngài. Bao hàm trong lời hứa này là lời hứa làm cho chúng ta sẵn sàng được đón tiếp vào thiên đàng. Điều đó có nghĩa là một lời hứa để thanh tẩy chúng ta sạch mọi tội lỗi, để dạy chúng ta sống thánh thiện thế nào và để ban cho tất cả chúng ta những quà tặng và ân sủng chúng ta cần để chính chúng ta cũng luôn sẵn sàng để bước vào vương quốc của Chúa.

      Niềm hy vọng về thiên đàng cũng nói với chúng ta rằng ngay cả nếu không có gì tốt đẹp trên trần gian này, chúng ta vẫn tìm thấy một nơi nghỉ ngơi vĩnh viễn, đầy sự bình an và hoan lạc. Lời hứa ấy nói với chúng ta rằng những người trung thành với niềm tin của mình thì cuối cùng sẽ đến một nơi mà ở đó không còn đau khổ và nước mắt nữa, và nơi mà ở đó không còn sự đau đớn và biệt ly nữa. Lời hứa ấy nói với chúng ta về một tương lai rất đáng để sống, mộ tương lai tuyệt vời hơn tất cả những đau khổ hiện tại. Và lời hứa ấy là một tương lai mà mỗi người chúng ta có thể biết khi chúng ta chấp nhận Chúa Giêsu và sứ điệp Tin Mừng của Ngài.

        Niềm Hy Vọng về Chúa Thánh Thần. Bạn có thể tưởng tượng các môn đệ cảm thấy thế nào nếu Chúa Giêsu đã hứa thiên đàng cho họ, nhưng Ngài lại thất bại trong việc giúp họ trên hành trình đến đó (thiên đàng). Bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu ai đó nói rằng bữa tiệc lúc 9 giờ đang đợi bạn tại một nhà hàng sang trọng, nhưng họ không chỉ cho bạn cách đến nơi có tiệc hoặc không giúp bạn tìm thấy đường đến đó? Điều đó xem ra rất kinh khủng phải không?

      Đó là loại hy vọng giả dối mà Chúa Giêsu đã không ban cho các môn đệ của Ngài và đó không phải là cách mà Chúa Giêsu đối xử với chúng ta! Những lời hứa của Chúa không phải là một tương lai xa xăm và cách thức mà chúng ta lãnh nhận những lời hứa này không được giấu kín trong những điều khó hiểu và trong niềm tin mù quáng. Thực vậy, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ của Ngài rằng Ngài sẽ sai Thánh Thần đến để giúp họ trên hành trình của họ. Chúa Thánh Thần sẽ giúp họ phân định đúng sai và sẽ dạy dỗ cũng như nhắc nhở họ về mọi lời Chúa Giêsu đã nói khi Ngài còn ở với họ.

     Nhưng Thánh Thần sẽ hành động không chỉ như một người thầy và một người hướng dẫn. Ngài cũng sẽ hành động như Đấng mạc khải. Chúa Thánh Thần sẽ khai mở tâm hồn họ ra với tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho họ – một tình yêu đủ quyền năng để vượt qua mọi nỗi sợ hãi, xao xuyến, nghi ngờ hoặc tội lỗi. Ngài sẽ loan báo cho họ biết “những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,13), Ngài ban cho họ một cái nhìn về cuộc sống của họ – điều đó sẽ truyền cảm hứng cho họ và nâng đỡ họ.

     Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng sẽ tốt hơn nếu Ngài ra đi (x. Ga 16,7). Ngài biết rằng cái chết của Ngài sẽ làm họ bị tổn thương – và thậm chí Ngài đã nói với họ như thế. Nhưng Ngài cũng hứa rằng nỗi buồn của họ sẽ trở thành niềm vui khi họ được ban tràn đầy Thánh Thần (x. Ga 16,20). Như thế, họ sẽ nhận ra rằng tất cả họ cần phải tiếp tục sống cuộc sống mà họ đã bắt đầu để cảm nghiệm Ngài. Sự tự do khỏi tội lỗi, sự thân tình với Thiên Chúa, cảm thức về sứ mạng, niềm vui được chọn để xây dựng nước Thiên Chúa – tất cả những điều này sẽ tiếp tục được đào sâu sau khi Chúa Giêsu sống lại. Nhưng trước hết Ngài phải chịu chết.

     Lời hứa được Chúa Thánh Thần ở cùng cũng có thể trở thành nguồn an ủi và hy vọng cho chúng ta. Quả vậy, Chúa Thánh Thần luôn luôn ở với chúng ta, luôn sẵn sàng ban tràn đầy sự hiểu biết về việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Ngài sống trong tâm hồn chúng ta, Ngài ao ước làm cho sự thật về niềm tin của chúng ta nên cá vị và biến đổi cuộc đời chúng ta. Ngài biết rằng sự mạc khải của Ngài trong tâm hồn chúng ta có sức mạnh để thúc đẩy chúng ta đi đến việc thực hiện kế hoạch của Ngài – một kế hoạch đặt chúng ta trên con đường ngày càng đạt tới vinh quang.

      Vinh quang của Thiên Chúa là Niềm Hy Vọng của Chúng Ta. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể luôn hy vọng. Không quan trọng hoàn cảnh của chúng ta thế nào, chúng ta vẫn là những công dân của nước trời! Không quan trọng mọi thứ dường như tối tăm, chúng ta vẫn có Chúa Thánh Thần – Ngài là chính Thiên Chúa – đang cư ngụ trong tâm hồn chúng ta! Chúng ta đã được tiền định cho vinh quang ấy và chúng ta được ban những phương tiện cần thiết để đạt đến tất cả sự khôn ngoan của Thiên Chúa trên mọi bước đường chúng ta đi. Trong Phép Rửa Tội, chúng ta đã được đóng đinh cùng với Đức Kitô và sống lại trong đời sống mới. Ngôi mộ trông bây giờ thuộc về chúng ta bao lâu nó thuộc về Chúa Giêsu.

     Điều đó giúp chúng ta can đảm đối diện với những lần thử thách hay đau khổ và chịu đựng chúng cách kiên nhẫn và khiêm tốn. Thậm chí chúng ta có thể cố gắng kết hợp những đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Chúa Kitô như một hành động của sự chuyển cầu hoặc sự hoán cải. Nhưng để làm như vậy mà không có một cảm thức về phẩm giá (làm con Chúa) và sự thừa kế ơn cứu độ của chúng ta là đã bỏ lỡ mất mục đích. Như thế, để chấp nhận những thử thách, không gì hơn là phải có một cảm thức từ bỏ quyết liệt và một thái độ chấp nhận kiên cường, đồng thời phải nhớ chúng ta là ai trong Chúa Kitô và chúng ta đang được dẫn đi đâu.

     Điều này không có nghĩa là cuộc sống của chúng ta sẽ là một cuộc diễu hành hạnh phúc và bình an bất tận. Chúa Giêsu đang nói với chúng ta chính điều mà Ngài đã nói với các môn đệ trong Bữa Ăn Cuối Cùng: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó”. Tuy nhiên, Ngài cũng an ủi họ rằng: “Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” ( Ga 16,33). Chiến thắng của Chúa Giêsu là chiến thắng của chúng ta – và chiến thắng đó là nguồn hy vọng của chúng ta.

Theo the Word Among us
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ:
  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương, OP

Comments are closed.

phone-icon