Thần dược của Đức Tin – Suy niệm Chúa Nhật 13 TN, Năm B

0

CHÚA NHẬT XIII TN, NĂM B
THẦN DƯỢC CỦA ĐỨC TIN

LỜI CHÚA: Mc 5,21-43

Tôi tâm đắc câu nói về đau khổ trong sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo:

“Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và sự hữu hạn của mình. Bệnh tật khiến con người ý thức về cái chết nhiều hơn. Bệnh tật có thể làm cho con người xao xuyến, yếm thế, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng cũng có thể làm cho con người chín chắn hơn, giúp họ nhận ra những điều phụ thuộc trong cuộc sống để biết quay về với những điều chính yếu. Thường bệnh tật hối thúc con người tìm kiếm Thiên Chúa và quay về với Người”.

Khi mang trong mình cơn bệnh hiểm nghèo người ta thường có những phản ứng khác nhau: người không có Đức tin đau khổ vì bệnh tật, tuyệt vọng vì sự vô nghĩa của nó. Họ chán chường than trời trách đất, nguyền rủa cuộc đời. Họ muốn chết cho xong đời vì đau đớn. Họ thật bất hạnh! Tôi biết một cô giáo chưa tròn bốn mươi, khi phát hiện mình bị ung thư, cô tự cô lập mình trong một căn phòng, không cho ba má, anh chị em, bạn bè đến thăm, chỉ trừ một người giúp việc được vào phòng cô để thu vệ sinh. Khi cô chết người ta nhìn mặt cô như một bà già chín mươi tuổi. Thật bất hạnh cho người không có niềm tin!

Người có Đức tin sẽ an bình hơn, họ chạy đến với Chúa, xin Chúa đỡ nâng, xin sức mạnh của Chúa và xin Chúa chữa lành. Qua bệnh tật, họ trở về với Chúa, trở lại đời sống đạo đức, kết hợp với Chúa trong mọi giây phút. Giờ cầu nguyện, giờ kinh, Thánh lễ sốt sáng hơn. Đau khổ bệnh tật giúp họ gần Chúa hơn. Nhờ bệnh tật họ nhận ra tình yêu Chúa rõ hơn, giúp sống tỉnh thức cách ý nghĩa hơn và sống tâm tình phó thác triệt để hơn.

Khi đi thăm anh em, tôi được nghe những bệnh nhân kể họ được khỏi cách lạ kỳ nhờ lòng tín thác vào tình yêu Chúa. Bà Chua năm nay sáu mươi tuổi hiện đang ngụ tại xứ Chi lăng,  hằng tuần tôi đến cho hai ông bà rước lễ vì ông bị bệnh tràn dịch phổi. Nhà nghèo và đơn chiếc nên ông không thể đi bệnh viện thành phố để chữa trị. Các con đi làm xa và phải vật lộn với cuộc sống nên không thể ngưng nghỉ công việc để đi nuôi Bố. Còn bà bị liệt hai chân từ mới sinh nên không thể giúp ông. Bà kể với hai giòng nước mắt lã chã: “Trước đây con bị ung thư vú, bác sĩ mổ và nói con chỉ sống được ba năm. Con quyết định không vô hóa chất và con cầu xin Chúa: Xin Chúa cho con sống mấy năm nữa để con lo gia đình cho hai con. Chúa đã cho con sống đến ngày nay là mười năm năm rồi. Con đã lo gia đình cho các con xong xuôi không phải lo cho hai mà là sáu người con. Con cảm nghiệm được sự chữa lành của Chúa nơi con. Chúa đã làm một phép lạ cả thể nơi gia đình con.” Kể xong bà ngồi khóc vì thấm thía tình yêu quan phòng yêu thương của Chúa. Bà được Chúa chữa vì bà đã tin, vì bà đã hoàn toàn phó thác cho lòng thương xót của Chúa.

Hôm nay đọc bài Tin Mừng Chúa chữa hai bệnh nhân:  một là người đàn bà loạn huyết vì lòng tin của bà, hai là em bé gái, do lòng tin của người cha. Cả hai bổ túc cho nhau. Cả hai đều là phụ nữ: Một người khởi đầu của đời sống dương gian còn người bị bệnh lâu dài. Cả hai đều không thể chữa bởi con người nhưng cả hai đều được chữa nhờ sức mạnh toát ra từ Chúa Giê-su. Đứa bé gái mười hai tuổi, người phụ nữ chịu bệnh mười hai năm. Con số này không phải là tình cờ nhưng nó mang một biểu tượng. Chúa Giê-su rao giảng lần đầu tiên lúc 12 tuổi. Chúa Giê-su chọn mười hai tông đồ. Mười hai rổ bánh dư sau khi dân chúng ăn no nê (Mc 6, 43),  mười hai cửa của Thành Jerusalem trong thời gian cuối cùng (Kh 21,12-21). Người Nữ trong sách Khải Huyền đội triều thiên mười hai sao (Kh 12,1). Hai phép lạ không phải chỉ là của lòng thương xót nhưng nó ẩn giấu một mạc khải: Thời gian đã hoàn tất, nhân loại tội lỗi được giải thoát khỏi sự dữ. Người đàn bà nhận ra con người bất lực với con bệnh của bà, nhưng đối với Thiên Chúa thì không gì là không có thể (Lc 1,370). Chúa Giê-su chỉ xin hai điều: “ Đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Người đàn bà hôm nay đến với Chúa đã làm một hành động rất liều lĩnh. Sở dĩ bà mạo hiểm như vậy là vì trong mười hai năm chịu đựng bệnh tật, bà đã đi điều trị khắp nơi với nhiều thày thuốc theo cái lệ thông thường: Có bệnh thì vái tứ phương. Bà đã tốn nhiều tiền của cho con bệnh này. Bà không hy vọng ngày bình phục. Nhưng may mắn cho bà! Trong lúc hầu như tuyệt vọng với con bệnh thì bà lại nghe đồn đại về một ông thầy tuyệt vời đã chữa nhiều con bệnh trong giây lát. Đau khổ thúc đẩy bà làm một bước mạo hiểm. Bà thầm nghĩ: chỉ cần đụng đến gấu áo Ngài thôi vì bà quan niệm như dân chúng thời đó: Áo của người quyền phép có hiệu lực chữa bệnh. Bà thầm kín bò dưới đất dưới gót chân của những người hâm mộ để tránh sự tò mò của dân chúng. Bà cố gắng để được đụng vào gấu áo của Ngài cách rất nhẹ nhàng và kín đáo. Một lực thần thiêng toát ra từ lòng nhân hậu của Thày lưu truyền trong mạch máu bà. Bà nhận được một sức mạnh mãnh liệt bao trùm con người bà. Bà đã được bình phục ngay tức khắc. Sung sướng ngất ngây, bà tưởng mình thầm giấu hồng ân trọng đại này để chỉ một mình mình biết, một mình mình hay. Nhưng ai ngờ bà đã bị phát hiện. Con Người Giê-su này đòi bà phải công khai hóa hành động đức tin này. Bà run rẩy thú nhận hành động lén lút của mình. Bà biết tội lỗi của mình, vì theo luật bà là người nhơ bẩn và khi đụng vào Chúa Giê-su, bà cũng làm cho Người ra dơ bẩn nữa. Người ta biết điều này sẽ kết án bà. Khi bị gọi ra ánh sáng, bà chắc một điều sẽ bị kết án theo luật và ân huệ bị ăn cắp kia sẽ bị rút lại chăng? Trong lúc đầu óc của bà hoang mang nhiều sự thì Chúa Giê-su lại nhìn bà cách âu yếm và nói những lời rất thân thương trìu mến: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.”

Khi nghe lời khen của Chúa Giê-su, niềm hạnh phúc của bà được nhân lên. Bà chẳng những được khỏi bệnh lại được Thày khen thưởng hành động đức tin của bà. Bà đã được chữa bệnh phần xác và cả phần hồn nữa. Qua việc chữa bệnh của Chúa, Chúa cho bà hiểu việc chữa bệnh này biểu lộ Ngài là Đấng Cứu độ. Đây là cuộc gặp gỡ giữa nhân loại đau thương và Thiên Chúa quyền năng, giữa nhân loại tội lỗi và Thiên Chúa là Đấng thánh thiện.

Noi gương bà tôi sống niềm tin của tôi ngày nay như thế nào? Tôi cầu nguyện, làm việc phúc đức, lãnh nhận các Bí Tích để đòi Chúa phục vụ tôi hay để tôi sống theo ý Ngài? Chúa có phải là đối tượng niềm tin của tôi không? Đức tin là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, tôi đã thực sự gặp gỡ Ngài chưa? Đức tin của tôi có đủ mạnh để buông bỏ cho quyền năng của Đấng yêu thương tôi không? Như người đàn bà hôm nay từ một niềm tin đơn sơ ma thuật bà đã vươn tới niềm tin tròn đày là gặp gỡ Chúa Giê-su thực sự, Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Tôi có dám làm một cuộc đổi đời từ niềm tin bắt Thiên Chúa phục vụ mình chuyển đến niềm tin tín thác, vâng phục ý Chúa chưa?

Xin Chúa cho chúng ta mỗi ngày tin yêu Chúa hơn để có hể gặp gỡ Ngài ngay đời này chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ đời đời nơi thế giới bên kia.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon