Tuyên khấn để thi hành sứ vụ

0

Sr. Lucia Cao Thị Xuân Trang.OP

Ngày nay không ít người trẻ thấy rằng: Cuộc phiêu lưu đời tu dường như đã tới lúc phải chấm dứt. Không nghĩa lý gì, chẳng ăn nhập gì trước một vài lối sống tạm gọi là “Sen giữa bùn”, vì giữa bạt ngàn các loại hoa, người ta đâu mấy cần những bông sen lẻ loi. Những giá trị đạo đức có là gì so với khuynh hướng hưởng thụ và trào lưu cá nhân kếch xù đang trở thành như một nền văn hóa thống trị khắp hành tinh này. Thế mà tôi lại cam kết chọn lấy những giá trị tự căn bản mâu thuẫn với những điều xã hội đề cao. Tuân phục là gì, nếu không phải là chạm đến quyền tự quyết, tức là chạm đến tự do, cái căn bản nhất của hữu thể. Sống nghèo là gì, nếu không phải là một dấu chỉ thất bại. Và rồi khiết tịnh, những chủ trương viển vông đến không tin được. Vâng, còn nhiều và hàng loạt thách thức mà một người trẻ như tôi không phải không nhìn ra ngõ ngách của vấn đề. Thế nhưng, chẳng hiểu sao tôi vẫn quyết định nhập cuộc, bước vào đoàn người dự hội hoa đăng trong cái rộn ràng của mùa ơn gọi thánh hiến, như nhà thơ Đình Bảng diễn tả:
Hôm nay tháng bảy về Tam Hiệp,
lòng cứ chênh chao những hội hè…
Ai về đi lễ tôi theo với,
Nhà Mẹ đang mùa lúa trổ bông,
Ai hát trong kia lời khấn nhỏ,
Mà mưa đầy mặt đất hoa hồng.”
(Tập thơ Đình Bảng)

Cùng với các chị em khác trong lớp, ngày 6.8.năm ấy, tôi tiến lên tuyên khấn với ý thức góp phần vào đời tu bằng chính chọn lựa dấn thân của mình, giữa những tác động xem ra ngược chiều và đầy biến động này.

I. SỐNG LỜI KHẤN THEO TINH THẦN MỚI CỦA TIN MỪNG

 Nói đến tinh thần mới, không nhất thiết phải là sự bộc nổ vĩ đại của một hệ tư tưởng, hay khám phá lớn lao của cá nhân hoặc tập thể nào đó, mà là tiếp nhận luồng sinh khí mới có sức bật khỏi những ràng buộc cũ kỹ, quen thuộc, hầu có thể vươn cao trong tinh thần cởi mở, linh hoạt hơn.

1. Vâng phục

Noi gương Đức Kitô, tôi sẵn sàng dâng hiến tự do của mình, để Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc đời. Chính Thiên Chúa là người tự quyết chứ không phải tôi, trong những vấn đề riêng tư nhất. Điều này trở nên khó hiểu trong một thế giới khao khát tự do và đề cao tự do như giá trị không thể thay thế.

Sống tinh thần vâng phục mới, tôi hiểu rằng: vâng phục không giết chết tự do, trái lại còn làm cho viên mãn, vì chỉ có sự tự do đích thực của Đức Kitô mới làm cho con người được tự do (x. Gl 5,1). Tuy nhiên tự do không phải là muốn làm gì thì làm. Tôi chứng kiến biết bao bất hạnh của những bạn bè đồng trang lứa vì không biết sử dụng tự do. Trong khi đó, nhìn lên mẫu gương vâng phục của Đức Giêsu, ta không thấy có một chút nào của sự bất mãn, chán nản, sợ sệt. Đó chính là hiệu quả của sự vâng phục, vâng phục trong tình yêu.

Từ nhận thức sâu xa này, và từ những giới hạn của chính bản thân, tôi hân hoan hiến dâng cho Thiên Chúa quyền làm chủ đời mình trong thái độ khiêm tốn, khôn ngoan của những người đã tìm ra được con đường ngắn nhất để đạt đích.

2. Khó nghèo

Tôi thường nghe nói đến “tinh thần khó nghèo”, một kiểu nói đẹp, nhẹ nhàng và rộng nghĩa, rộng đến độ nó có thể chú giải bằng mọi cách để khỏi trở thành một đòi hỏi, mà chỉ là một tư tưởng ở xa xa.

Tôi xác định mình khấn khó nghèo không chỉ cần có tinh thần nghèo mà phải trở nên người nghèo thực thụ, một cái nghèo triệt để theo Tin Mừng, hầu trở nên đối tượng tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tôi sống nghèo để minh chứng cho xã hội thấy, hưởng thụ không phải là diệu pháp mang lại hạnh phúc. Đa số sinh viên đang ở các trường đại học, trung học, cao đẳng cho rằng: Những tu sĩ trẻ cùng học với họ là những người nghèo thực sự so với mức sống của những người trẻ trung lưu khác qua cái mác nữ tu dễ nhận, cách ăn mặc, cách chi tiền, v.v …

Nói chung, không có một mẫu số, một thang mức chung cho việc sống nghèo, và càng khó xác định đâu là tinh thần nghèo. Sống lời khấn trong một lương tâm trong sáng sẽ giúp con người tôi luôn phản tỉnh. Phản tỉnh để ý thức được ý nghĩa của cái nghèo và phản tỉnh để thấy được những đòi hỏi của việc sống nghèo theo Tin Mừng, và đâu là sự tự nguyện chia sẻ để thể hiện tình yêu thương trong các bối cảnh khác nhau. Có lẽ như thế những ràng buộc của lời khấn nghèo mới không tù túng tôi trong những chi li vụn vặn, luẩn quẩn của sự bù trừ, nhưng làm cho đời tu triển nở viên mãn trong sự thanh thoát và nhẹ nhàng.

3. Khiết tịnh

“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được thấy nước Thiên Chúa” (Mt 5,8). Như vậy theo một nghĩa nào đó, khiết tịnh là để con người trong sáng hơn, để đến gần được Thiên Chúa nguồn của tình yêu và nguồn sống của mình.

Tuy nhiên, nói đến khiết tịnh, người ta vẫn gắn nó với những vấn đề chủ yếu của con người như tính dục, thân xác, nhu cầu diễn tả và đón nhận tình cảm. Thật khó nói khi đề cao một thứ thanh khiết nào đó chung chung, mà không xét đến những hành vi của chủ thể, vì giữa tư tưởng và thực hành khiết tịnh hầu như không có đường phân ranh.

Thực ra bản chất của khiết tịnh là để yêu thương hơn, cũng như mục đích của cả ba lời khấn đều hướng tới Caritas – Đức ái, (THĐSTH số 8) như một trong những con đường chia sẻ sự sống của Thiên Chúa tình yêu.

Như thế việc sống khiết tịnh của người tu sĩ trẻ hôm nay trước những thách thức của chủ nghĩa khoái lạc và hưởng thụ, không phải là một quyết tâm dễ thực hiện. Vì thế tôi hiểu đâu là thách đố của điều mình khấn hứa hôm nay, và đâu là giới hạn của bản thân, để luôn khiêm tốn khao khát nguồn trợ lực từ Thiên Chúa.

II. SỐNG LỜI KHẤN VỚI NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG MỚI

Với nghị lực, sự trẻ trung trong con tim tràn đầy tình yêu và khát vọng, người tu sĩ trẻ nào cũng muốn nói lên lập trường về những điều mình chọn lựa, và những gì mình nhắm tới trong tương lai. Vì dưới mắt người trẻ thì “không có gì là không có thể”. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, mỗi lần tôi cố gắng tìm một giải pháp cấp tốc cho các vấn đề của mình thì tôi đã từ chối đi vào trường học cuộc đời, nơi mới thực sự có những bài học thực tế. Dần dần tôi mới hiểu ra rằng:

1. Chọn lựa là từ bỏ

Thường con người không muốn chọn lựa. Nhưng điều nghịch lý là khi con người không đủ khả năng để chọn lựa vật gì, nó sẽ mất tất cả.

Sống là chọn, và qui luật đó phải được thực hiện triệt để nơi người tu sĩ. Thế giới hôm nay ngày càng đẹp hơn, sinh động hơn, quyến rũ hơn, đặc biệt luôn trong tư thế mở ra, mời mọc. Người tu sĩ không thể nhắm mắt, không thể đè nén ý thức về cái đẹp, nhưng phải chọn lựa và tiêu chuẩn để chọn lựa nằm trong chính những ràng buộc của lời khấn, và cụ thể qua từng qui định riêng của mỗi Dòng. Đồng thời, việc chọn lựa không phải là số lần qui định ở mỗi bước ngoặt quan trọng, mà là từng khoảnh khắc. Có thể nói nền tảng của một ơn gọi đích thực là sự chọn lựa không thay đổi những chân giá trị được chọn, dĩ nhiên sự loại bỏ này không phủ nhận những giá trị khác. Một người đã lập gia đình không thể phủ nhận là có thể bị lôi cuốn bởi những người khác, nhưng họ phải chọn lựa chỉ nuôi dưỡng tình yêu với người bạn đời. Cũng vậy, có những cái xem ra rất nhân bản, rất hợp với quan niệm tiến bộ như việc ăn mặc đẹp, nhu cầu diễn tả và đón nhận tình cảm  v.v…. Phải công nhận rằng tình yêu cũng là một con đường dẫn tới Thiên Chúa, nhưng không phải là con đường của người tu sĩ.

Ý thức giá trị của sự chọn lựa này, tôi tiếp nhận các thực tại trần thế với mọi tiến bộ đổi thay của nó mà không thấy mình là người ngoài cuộc hay bị xao xuyến, quyến rũ bởi sự hấp dẫn của nó.

2. Dấn thân sâu thẳm trong thận trọng và khôn ngoan

Hiện nay, các tu sĩ trẻ được mời gọi dấn thân vào các môi trường xã hội ngày càng nhiều, mà môi trường xã hội thì bao gồm đủ mọi thứ phức tạp. Thực tế cho thấy những giao tiếp trà trộn rất dễ làm sứt mẻ, hay mờ đi cam kết dấn thân ban đầu. Như vậy tôi phải có giải pháp nào cho việc dấn thân?

Theo Linh mục Adrian Van Kaam trong tác phẩm “Religion and Personality” thì người ta thường mắc vào hai thái độ cực đoan sau:

Thứ nhất: Loại hoạt động hướng về hoàn thiện với tư thế nhắm thẳng đích.

Nhóm này là hiện thân của những quyết tâm cứng rắn và nghiêm chỉnh trong mọi chuyện. Tuy nhiên họ đang gây bất hạnh cho chính mình và người khác, vì họ chẳng biết tôn trọng sự rung cảm của con tim nhân loại, họ luôn làm cho chính mình và những người khác đau đầu bởi một sợi dây ý lực lúc nào cũng căng thẳng.

Thứ hai: Là nhóm cực đoan trái ngược. Họ cởi mở hơn, yêu mến hơn, dịu dàng và cảm thông hơn, dễ hoà nhập và được xã hội yêu mến, nhưng lại dễ dao động. Chỉ một chút tình cảm chi phối, họ sẵn sàng kết thúc mọi cam kết và định hướng ban đầu cũng tiêu tan.

Như vậy làm thế nào để tôi dấn thân trong môi trường đa dạng và quá nhiều vấn đề nhạy cảm như hôm nay, mà vẫn làm sáng lên giá trị của những Lời khuyên Phúc Âm?

Khi có dịp ngồi lại với nhau, những tu sĩ trẻ chúng tôi rất dễ bộc lộ thao thức của mình, và cùng nhận thấy một điều rất phổ biến. Có người đã đánh mất lý tưởng ban đầu chỉ vì sự thương hại vô trật tự trong khi giúp đỡ người khác, có người lại chán nản bỏ cuộc bởi sự nhiệt thành quá mức, rốt cục rồi chẳng đi đến đâu, hoặc những căng thẳng trong đời sống cộng đoàn. Hơn nữa, khi nói đến dấn thân là phải nói đến cả chiều kích xã hội, nơi chúng tôi tương quan và thể hiện ơn gọi của mình. Chiều kích xã hội đó với những tổ chức, cơ cấu, ràng buộc hay thiện nguyện, đòi chúng tôi phải có khả năng hòa nhập với cộng đồng xã hội, mà để có thể hòa nhập với một tổ chức nào đó thì không có cách nào khác là phải “bỏ mình”. Hành trình ra khỏi “cái tôi” này chắc chắn sẽ rất vất vả và đầy thử thách.

Thế giới hôm nay là thế giới của những mái nhà chung, những hiệp hội, những tổ chức khu vực. Vì thế tính hữu hiệu trong dấn thân của những người trẻ cũng liên quan đến khuynh hướng này. Nơi các nhóm làm việc chung hay riêng, việc dấn thân căn bản nhất của người tu sĩ trẻ vẫn là làm sáng lên sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa.

Tóm lại, dù có rất nhiều thách đố trong việc chọn và sống các Lời khuyên Phúc Âm giữa tác động của những tư tưởng ngược chiều, nhưng cây ơn gọi của các dòng tu vẫn cứ trổ sinh cho đời những hoa trái ngọt lành, thánh thiện, và đó là công việc Chúa làm và thật kỳ diệu trước mắt chúng ta. Trong đức tin, cùng với các tu sĩ khác, tôi an tâm tiến bước, bởi khi tuyên khấn, tôi không tựa vào sức mình, nhưng vào sự trung tín của Thiên Chúa. Trong Thiên Chúa, tôi có thể sống hết lòng cho công việc học hành, dạy học, du thuyết … cũng có thể yêu thương mọi người cách sâu sắc mà không sợ đánh mất sự hiện diện đầy yêu mến của tôi đối với Thiên Chúa. Trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, tôi có thể thấy Ngài khắp nơi, trong diện mạo con người, trong tiếng chim ca hát, trong một quyển sách hay, một vở kịch cảm động, trong một người bạn dễ thương cũng như trong những con người đầy vấn đề phức tạp, để rồi bước chân tôi cứ hân hoan ra đi mãi, miệng hát khúc ca cùng với cha nguyên BTTQ Timothy Radcliffe trong cuốn: “Hát lên bài ca mới”: TUYÊN KHẤN LÀ ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ!

Comments are closed.

phone-icon