Sao vẫn còn lo lắng? – Toàn văn bài giảng Lễ Giáng sinh của Đức Thánh Cha

0

Nguồn: aleteia 
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN  

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ Đêm Giáng sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

*******

“Kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ” (x. Lc 2:1). Đây là bối cảnh khi Chúa Giêsu được sinh ra, và Tin Mừng nhấn mạnh đến điều đó. Cuộc kiểm tra dân số có thể được đề cập thoáng qua nhưng thay vào đó lại được ghi chú cẩn thận. Và như vậy hiện lên một sự tương phản lớn. Trong khi hoàng đế kiểm tra dân số trên toàn cõi đất thì Thiên Chúa đi vào thế giới một cách gần như âm thầm. Trong khi những người nắm giữ quyền lực tìm cách được đặt ngang hàng với những người vĩ đại trong lịch sử thì Đức Vua của lịch sử lại chọn con đường nhỏ bé. Không một người quyền lực nào để ý đến Ngài: chỉ có một số mục đồng, những người bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội.

Cuộc kiểm tra dân số nói về một điều khác. Trong Kinh Thánh, việc kiểm tra dân số có những mối liên hệ tiêu cực. Vua Đavít, bị cám dỗ bởi những con số khổng lồ và ý nghĩ tự phụ, đã phạm trọng tội khi ra lệnh kiểm tra dân số. Ông muốn biết xem quyền lực của ông đến mức nào. Sau khoảng chín tháng, ông biết có bao nhiêu người đàn ông có thể sử dụng gươm (x. 2 Sm 24:1-9). Chúa đã nổi giận và dân chúng thì đau khổ. Tuy nhiên, đêm hôm nay, Chúa Giêsu, “Con vua Đavít”, sau chín tháng trong cung lòng Đức Maria, đã sinh ra tại Bêlem, thành của vua Đavít. Người không áp hình phạt vì cuộc kiểm tra dân số, nhưng khiêm nhường để mình được đăng ký là một người trong số nhiều người. Ở đây chúng ta nhìn thấy không phải là một vị thần thịnh nộ và trừng phạt, mà là Thiên Chúa thương xót, Đấng Nhập thể và đi vào thế giới trong sự yếu đuối, được báo trước bằng lời loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2:14). Đêm nay, tâm hồn chúng ta hướng về Bêlem, nơi Vị Hoàng tử Hoà bình một lần nữa bị khước từ bởi luận lý phù phiếm của chiến tranh, bởi những cuộc đụng độ vũ khí mà ngày nay vẫn ngăn cản Ngài tìm chỗ trú ngụ trong thế giới (x. Lc 2:7).

A picture shows a figurine of the baby Jesus during the Christmas Eve mass at St. Peter's Basilica in the Vatican on December 24 2023

Tóm lại, cuộc kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ thể hiện sợi dây hoàn toàn thuộc về con người xuyên dòng lịch sử: cuộc tìm kiếm quyền lực và sức mạnh thế gian, danh tiếng và vinh quang, đo lường mọi thứ bằng sự thành công, bằng kết quả, bằng những con số và số liệu, một thế giới bị ám ảnh bởi thành tích. Tuy nhiên, cuộc kiểm tra dân số cũng thể hiện con đường của Chúa Giêsu, Đấng đến để tìm kiếm chúng ta qua sự nhập thể. Ngài không phải là vị thần của những thành tựu, mà là Thiên Chúa Nhập thể. Ngài không xóa bỏ sự bất công từ trên cao bằng cách phô trương quyền lực, mà từ bên dưới bằng sự thể hiện tình yêu thương. Ngài không vụt xuất hiện với sức mạnh vô biên, mà giáng trần đến với những giới hạn chật hẹp của cuộc đời chúng ta. Ngài không xa lánh những yếu đuối của chúng ta mà biến chúng thành của riêng Ngài.

Thưa anh chị em, tối nay chúng ta hãy tự hỏi mình: Chúng ta tin vào Thiên Chúa nào? Tin Thiên Chúa Nhập thể hay vị thần của thành tựu? Bởi vì luôn có nguy cơ là chúng ta có thể cử hành Lễ Giáng Sinh trong khi nghĩ về Thiên Chúa theo cách hiểu ngoại giáo, như một vị thần thống trị hùng mạnh trên bầu trời; một vị thần gắn liền với sức mạnh, với thành công của thế gian và ngẫu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng. Với hình ảnh sai lạc về một vị thần xa cách, nóng nảy, xử tốt kẻ tốt và xử tệ với kẻ xấu; một vị thần được tạo ra theo hình ảnh và chân dung của chính chúng ta, có ích trong việc giải quyết các vấn đề và loại bỏ những căn bệnh của chúng ta. Ngược lại, Thiên Chúa không vẫy cây đũa thần; Ngài không phải là vị thần thương mại hứa hẹn “tất cả mọi thứ trong một lần”. Ngài không giải thoát chúng ta bằng cách nhấn nút, nhưng đến gần chúng ta để thay đổi thế giới của chúng ta từ bên trong. Tuy nhiên, quan niệm của thế gian về một vị thần xa xôi, độc đoán, cứng nhắc và đầy sức mạnh giúp người thuộc phe mình chiến thắng những vị thần khác đã quá ăn sâu! Hình ảnh này thường khắc sâu trong chúng ta. Nhưng không phải như vậy: Thiên Chúa của chúng ta được sinh ra cho tất cả mọi người, trong một cuộc kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.

Vậy chúng ta hãy nhìn lên “Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật” (1 Tx 1:9). Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự tính toán của con người nhưng lại cho phép mình bị tính theo cách tính toán của chúng ta. Thiên Chúa, Đấng làm cách mạng lịch sử bằng cách trở thành một phần của lịch sử. Thiên Chúa tôn trọng chúng ta đến nỗi cho phép chúng ta từ chối Ngài; Người xóa tội bằng cách tự mình gánh lấy tội; Người không loại bỏ sự đau đớn mà biến chuyển nó; Người không loại những vấn đề ra khỏi cuộc sống của chúng ta nhưng ban cho chúng ta niềm hy vọng lớn hơn tất cả những vấn đề của chúng ta. Thiên Chúa quá khát khao ôm lấy cuộc sống của chúng ta đến nỗi dù Ngài là vô hạn nhưng Ngài đã trở nên hữu hạn vì chúng ta. Trong sự vĩ đại của Chúa, Người chọn trở nên nhỏ bé; trong sự công chính của mình, Người phải chịu sự bất công của chúng ta. 

Thưa anh chị em, đây là điều kinh ngạc của Lễ Giáng Sinh: không phải là sự pha trộn giữa những cảm xúc hớn hở và mãn nguyện của thế gian, mà là sự dịu dàng chưa từng có của một Thiên Chúa giải thoát thế gian qua việc nhập thể. Chúng ta hãy chiêm ngắm Hài Nhi, chúng ta hãy chiêm ngắm máng cỏ của Người, mà các Thiên thần gọi là “dấu” cho chúng ta (x. Lc 2:12). Vì đó thực sự là dấu chỉ cho thấy dung nhan của Thiên Chúa, một dung nhan của lòng trắc ẩn và lòng thương xót, một dung nhan luôn thể hiện và chỉ thể hiện sức mạnh bằng tình yêu thương. Người trở nên gần gũi, dịu dàng và trắc ẩn, vì đây là phong cách của Thiên Chúa: gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng.

Thưa anh chị em, chúng ta phải kinh ngạc trước biến cố Người “đã trở nên người phàm” (Ga 1:14). Người phàm: chính từ ngữ này gợi lên sự yếu đuối của con người chúng ta. Tin Mừng sử dụng từ này để cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã hoàn toàn mang lấy thân phận con người của chúng ta. Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Tại sao Người lại đi đến tận cùng như vậy? Bởi vì Người quan tâm đến chúng ta, bởi vì Người yêu thương chúng ta đến mức coi chúng ta là quý giá hơn tất cả. 

Anh chị em thân mến, đối với Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong một cuộc kiểm tra dân số, anh chị em không phải là một con số; mà là một khuôn mặt. Tên của anh chị em đã được viết trong trái tim của Người. Nhưng nếu anh chị em nhìn vào trái tim mình, nghĩ về những sự bất xứng của bản thân và về thế giới đầy những phán xét và bất khoan dung này, anh chị em có thể cảm thấy khó cử hành lễ Giáng sinh. Anh chị em có thể nghĩ rằng mọi việc đang trở nên tồi tệ hoặc cảm thấy không hài lòng với những giới hạn, những thất bại, những vấn đề và tội của mình. Tuy nhiên, hôm nay xin hãy để Chúa Giêsu chủ động. Chúa nói với anh chị em: “Vì con, Ta đã trở nên người phàm; vì con, Ta đã trở nên giống như con.”

Vậy tại sao cứ luẩn quẩn trong những rắc rối của anh chị em? Như những mục đồng xưa kia đã bỏ lại đàn chiên của mình, anh chị em hãy bỏ lại sau lưng ngục tù đau buồn của mình và đón nhận tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa đã trở thành một trẻ thơ. Hãy bỏ sang một bên những mặt nạ và áo giáp của anh chị em; hãy trao mọi lo lắng của anh chị em cho Người và Người sẽ chăm sóc anh chị em (x. Tv 55:22). Ngài đã trở thành người phàm; Ngài không tìm kiếm những thành tựu của anh chị em mà tìm kiếm trái tim rộng mở và tin tưởng của anh chị em. Nơi Ngài, anh chị em sẽ tái khám phá ra mình thực sự là ai: là một người con yêu dấu của Thiên Chúa. Bây giờ anh chị em tin điều đó, vì đêm nay Chúa đã giáng sinh để soi sáng cuộc đời anh chị em; đôi mắt Ngài ánh lên tình yêu thương dành cho anh chị em. Chúng ta thấy khó tin được điều này, rằng đôi mắt của Thiên Chúa luôn ngời sáng tình yêu thương chúng ta.

Đức Kitô không nhìn vào những con số mà nhìn vào những khuôn mặt. Tuy nhiên, ai là người có thể nhìn đến Ngài giữa muôn vàn sức lôi cuốn và vội vã quay cuồng của một thế giới hối hả và thờ ơ? Ai là người nhìn đến Ngài? Ở Bêlem, khi các đám đông dân chúng bị cuốn vào sự phấn khích của cuộc kiểm tra dân số, đến và đi, chật kín các quán trọ và góp chuyện trong những cuộc trò chuyện vụn vặt, chỉ một số người gần gũi với Chúa Giêsu: Đức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, và sau đó là các đạo sĩ. Chúng ta hãy học nơi họ. Họ đứng ngắm nhìn Chúa Giêsu với trái tim hướng về Ngài. Họ không nói, họ tôn thờ. Thưa anh chị em, đêm nay là thời gian để tôn thờ.

Tôn thờ là cách đón nhận sự Nhập Thể. Vì chính trong thinh lặng mà Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha, đã trở nên người phàm trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy làm như họ đã làm ở Bêlem, một thị trấn mà tên của nó có nghĩa là “Ngôi nhà Bánh mỳ”. Chúng ta hãy đứng trước Đấng là Bánh sự sống. Chúng ta hãy tái khám phá sự tôn thờ, vì tôn thờ không phải là lãng phí thời gian mà là biến thời gian của chúng ta thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa. Đó là để cho hạt giống Nhập Thể nở hoa trong chúng ta; đó là cộng tác vào công việc của Chúa, Đấng biến đổi thế giới giống như men bột. Tôn thờ là chuyển cầu, đền tạ, để Thiên Chúa sắp xếp lại lịch sử. Như một tiểu thuyết gia vĩ đại đã từng viết cho con trai mình, “Cha đặt trước con một điều vĩ đại nhất trên trái đất để con yêu mến: Bí tích Thánh Thể… Ở đó con sẽ tìm thấy sự lãng mạn, vinh quang, danh dự, sự chung thủy và con đường đích thực của tất cả tình yêu của con trên mặt đất này” (J.R.R. TOLKIEN, Letter 43, tháng 3 năm 1941).

Thưa anh chị em, đêm nay tình yêu thay đổi lịch sử. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con tin vào sức mạnh tình yêu của Chúa, khác biệt với sức mạnh của thế gian. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con biết quy tụ quanh Người và tôn thờ Người, giống như Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và các đạo sĩ. Khi Chúa làm cho chúng con ngày càng trở nên giống Chúa hơn, chúng con sẽ làm chứng trước thế gian về vẻ đẹp trên dung nhan của Người.

Comments are closed.

phone-icon