Bài giảng Thánh lễ Dầu Thứ Năm Tuần Thánh: ĐTC chia sẻ với các linh mục sự mệt mỏi trong thừa tác vụ

0

Chúa Kitô là sức mạnh của chúng ta trong thừa tác vụ

“Ta sẽ không ngừng đưa tay nâng đỡ, tay quyền năng củng cố vững vàng.” (Tv 89:21).

Đây là những gì Chúa ám chỉ khi Ngài nói: “Ta đã tìm ra nghĩa bộc Ða-vít, đã xức dầu thánh tấn phong Người;” (c. 20). Đây cũng là những gì Cha chúng ta nghĩ bất cứ khi nào Ngài “gặp gỡ” một linh mục. Và Ngài sẽ nói tiếp: “Ta sẽ yêu thương người và giữ lòng thành tín … Người sẽ thưa với Ta: ‘Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!’” (c. 24, 26)

Thật là tốt để cùng tiến với Vịnh Gia vào cuộc độc thoại này với Thiên Chúa chúng ta. Ngài đang nói về chúng ta, các linh mục của Ngài, các vị mục tử của Ngài. Nhưng đó không thực sự là một cuộc độc thoại, vì Ngài không phải là người duy nhất nói. Chúa Cha nói với Chúa Giêsu: “Bạn hữu của con, những ai yêu mến con, có thể thưa với Ta một cách đặc biệt: ‘Cha là Cha của con’” (x. Ga 14:21). Nếu Chúa lo lắng giúp đỡ chúng ta, thì đó là bởi vì Ngài biết rằng nhiệm vụ xức dầu dân Ngài rất cam go; nó có thể làm chúng ta trở nên mệt mỏi. Chúng ta cảm nhận điều này dưới nhiều hình thức: từ sự mệt mỏi thông thường gây ra bởi công việc tông đồ ngày qua ngày của chúng ta đến sự mệt mỏi của bệnh tật, cái chết và thậm chí phải tử đạo.

Sự mệt mỏi của các linh mục! Anh em có biết tôi thường nghĩ như thế nào không về sự mệt mỏi này mà tất cả anh em đều có kinh nghiệm? Tôi nghĩ về điều đó và tôi cầu nguyện về điều đó rất thường xuyên, đặc biệt là khi chính tôi đã mệt nhoài. Tôi cầu nguyện cho anh em khi anh em lao động giữa những người mà Thiên Chúa ủy thác cho anh em chăm sóc, nhiều anh em phải sống trong cô đơn và giữa những chốn hiểm nguy. Mệt mỏi của chúng ta, anh em linh mục thân mến, giống như hương thơm âm thầm vươn tới thiên đường (xem Thi thiên 141: 2; Rev 8: 3-4). Mệt mỏi của chúng ta đi thẳng vào trái tim của Chúa Cha.

Chúng ta biết rằng Đức Trinh Nữ Maria nhận thức sâu sắc về sự mệt mỏi này và Mẹ mang nó đến thẳng với Chúa. Là Mẹ của chúng ta, Mẹ biết khi nào những con cái của mình đang mệt mỏi, và điều này là mối quan tâm lớn nhất của Mẹ. “Chào con! Hãy nghỉ ngơi, con ta. Chúng ta sẽ nói chuyện sau đó …”. Bất cứ khi nào chúng ta đến gần Mẹ, Mẹ nói với chúng ta: “Chẳng phải Mẹ đang bên cạnh con sao, Mẹ là Mẹ con” (x. Evangelii Gaudium, 286). Và Mẹ sẽ nói giúp cho với Con Mẹ, như Mẹ đã từng làm tại Cana “Họ không có rượu” (Ga 2, 3).

Có thể xảy ra là khi chúng ta cảm thấy bị đè nặng bởi công việc mục vụ, chúng ta có thể bị cám dỗ để nghỉ ngơi nhưng theo một cách thế dường như chính sự nghỉ ngơi tự nó không phải là một hồng ân của Thiên Chúa. Chúng ta đừng rơi vào cám dỗ này. Sự mệt mỏi của chúng ta là quý giá trong con mắt của Chúa Giêsu, Đấng ôm ấp chúng ta và nâng chúng ta lên. “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28). Bất cứ khi nào một linh mục cảm thấy mệt chết đi được, nhưng vẫn còn sức để cúi xuống thờ lạy và nói: “Lạy Chúa, hôm nay như thế là đủ”, và phó thác mình cho Chúa Cha, thì người ấy hiểu rằng ngài sẽ không ngã quỵ nhưng được canh tân. Một người xức dầu dân Chúa sẽ được Chúa xức dầu cho mình: “Ngài tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não” (x Is 61 : 3).

Chúng ta không bao giờ được quên rằng bí quyết để có hiệu quả trong sứ vụ linh mục nằm ở cách chúng ta nghỉ ngơi và trong cách chúng ta nhìn vào phương thế Chúa đối phó sự mệt mỏi của chúng ta. Thật là khó khăn để học cách nghỉ ngơi! Điều này nói nhiều về sự tín thác của chúng ta và khả năng của chúng ta nhận ra rằng chính chúng ta cũng là những con chiên. Một số câu hỏi có thể giúp chúng ta trong vấn đề này.

Tôi có biết làm thế nào để nghỉ ngơi bằng cách chấp nhận tình yêu, lòng biết ơn và tình cảm mà tôi nhận được từ dân Chúa? Hoặc, một khi công việc mục vụ của tôi đã được thực hiện, tôi có tìm sự thư giãn không phải từ những người nghèo nhưng từ những thứ được một xã hội tiêu thụ cung cấp? Liệu Chúa Thánh Thần có thực sự “nghỉ ngơi trong thời gian mệt mỏi của tôi”, hay Ngài chỉ là một người khiến tôi lúc nào cũng bận rộn? Tôi có biết làm thế nào để tìm kiếm sự giúp đỡ từ một linh mục khôn ngoan hay không? Liệu tôi có biết làm thế nào để nghi ngơi khỏi các nhu cầu do chính tôi đặt ra cho bản thân mình, từ những tìm kiếm và từ những sở thích của mình? Tôi có biết làm thế nào để dành thời gian với Chúa Giêsu, với Chúa Cha, với Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse, các thánh bổn mạng của tôi, và nghỉ ngơi trước những yêu cầu dễ dàng và nhẹ nhàng của các Ngài, và trong niềm vui của các Ngài muốn được đồng hành với tôi, và trong những mối quan tâm và các tiêu chuẩn của các Ngài, là những điều chỉ có một mục đích duy nhất là làm vinh danh Thiên Chúa? Tôi có biết làm thế nào để nghỉ ngơi khỏi những kẻ thù của mình dưới sự bảo vệ của Chúa? Tôi có bận rộn suy tính nên nói hay hành động thế nào, hay là tôi phó thác mình cho Chúa Thánh Thần, người sẽ dạy cho tôi những gì tôi cần phải nói trong mọi tình huống? Tôi có lo lắng về những thứ không cần thiết, hay như Thánh Phaolô tôi tìm được sự nghỉ ngơi bằng cách nói: “Tôi biết Đấng mà tôi đã đặt trọn niềm tin” (2 Tim 1:12)?

Chúng ta hãy trở lại một chút với những gì phụng vụ hôm nay mô tả công việc của một linh mục: mang tin mừng cho người nghèo khó, loan báo tự do cho kẻ bị tù đầy, cho người mù được sáng, cho người áp bức được giải thoát, và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người. Tiên tri Isaiah cũng đề cập đến việc băng bó những tấm lòng tan nát, và yên ủi mọi kẻ khóc than.

Đây không phải là những công việc máy móc, như điều hành một văn phòng, xây dựng một hội trường giáo xứ hay thiết kế một sân túc cầu cho giới trẻ trong giáo xứ … Nhiệm vụ Chúa Giêsu đề cập đến luôn đòi hỏi khả năng thể hiện lòng từ bi; con tim của chúng ta phải “bồi hồi” và chúng ta phải dấn thân trọn vẹn trong việc thi hành các công việc này. Chúng ta vui mừng với những cặp vợ chồng mới kết hôn; chúng ta cùng cười với những trẻ em được mang đến giếng rửa tội; chúng ta đồng hành với những cặp đính hôn và những gia đình trẻ; chúng ta cùng chịu đau khổ với những ai được xức dầu trên giường bệnh; chúng ta phải cùng than khóc với những người vừa chôn cất một người thân yêu … Tất cả những cảm xúc này có thể làm kiệt sức con tim của một mục tử. Đối với chúng ta các linh mục, những gì xảy ra trong cuộc sống của người dân không giống như một bản tin: chúng ta biết dân chúng ta, chúng ta cảm nhận được những gì đang diễn ra trong trái tim của họ. Trái tim của riêng mỗi người chúng ta, chia sẻ sự đau khổ của họ, cảm thấy được “lòng trắc ẩn”, bị kiệt sức, vỡ ra ngàn mảnh, xúc động và thậm chí bị “tiêu thụ” bởi người dân. Hãy cầm lấy mà ăn … Đây là những lời của mà vị linh mục của Chúa Giêsu thì thầm lặp đi lặp lại trong khi chăm sóc cho dân Ngài: Cầm lấy mà ăn; cầm lấy mà uống … Bằng cách này đời sống linh mục của chúng ta được trao ban cho sự phục vụ, trong sự gần gũi với dân Chúa … và điều này luôn khiến chúng ta mệt mỏi.

Tôi muốn chia sẻ với anh em một số hình thức của sự mệt mỏi mà tôi đã suy tư.

Trước hết là sự mệt nhọc mà chúng ta có thể gọi là “sự mệt mỏi của người dân, sự mệt mỏi của đám đông.” Đối với Chúa, và cả chúng ta, điều này có thể làm kiệt sức – vì thế Tin Mừng bảo chúng ta – nhưng đó là một sự mệt mỏi tốt, một kiệt sức có hiệu quả và đáng hân hoan. Những người theo Chúa Giêsu, những gia đình mang con cái của họ đến với Ngài để được chúc phúc, những người đã được chữa khỏi, những người đến với bạn bè của mình, và những người trẻ, là những người đã rất vui mừng về bậc Tôn Sư … họ thậm chí làm Ngài không còn thời gian để ăn. Nhưng Chúa không bao giờ mệt mỏi hiện diện với mọi người. Trái ngược lại, dường như Người hào hứng với sự hiện diện của họ (xem Evangelii Gaudium, 11). Sự mệt mỏi giữa những hoạt động này là một ân sủng mà tất cả các linh mục có thể kín múc (cf. ibid., 279). Và nó đẹp thay! Dân chúng yêu mến các linh mục, họ mong muốn và cần người chăn dắt họ! Các tín hữu không để yên cho chúng ta, trừ khi chúng ta trốn trong văn phòng của mình hay đeo kính mát chạy ra xe hơi ngồi. Có một sự mệt mỏi tốt và lành mạnh. Đó là sự kiệt sức của các linh mục nặc mùi đàn chiên … nhưng cũng có những nụ cười trên môi một người cha vui mừng ngắm nhìn những đứa con của mình. Điều đó không xảy ra với những ai xức nước hoa đắt tiền và nhìn người khác từ xa xa và từ trên xuống (cf. ibid., 97). Chúng ta là những người bạn của Phu Quân [Giáo Hội]: đây là niềm vui của chúng ta. Nếu Chúa Giêsu đang chăn dắt đoàn chiên ở giữa chúng ta, chúng ta không thể có những người chăn chiên cáu gắt, hay ta thán, thậm chí tồi tệ hơn là chán nản. Mùi của chiên và nụ cười của một người cha …. Mệt mỏi, có đấy, nhưng cũng có cả niềm vui của những ai nghe tiếng Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc” (Mt 25:34).

Cũng có các loại mệt mỏi mà chúng ta có thể gọi là “sự mệt mỏi của kẻ thù.” Ma quỷ và tay sai của nó không bao giờ ngủ, và vì tai của chúng không thể chịu nổi khi nghe những lời của Thiên Chúa, chúng làm việc không mệt mỏi để làm câm nín và bóp méo lời Chúa. Đương đầu với nó cam go hơn nhiều. Nó đòi hỏi không chỉ là làm những việc tốt lành, với tất cả nỗ lực mà điều này đòi hỏi, nhưng còn phải bảo vệ đàn chiên và bảo vệ chính mình khỏi sự dữ nữa (x Evangelii Gaudium, 83). Quỷ dữ tinh khôn hơn chúng ta, và nó có thể phá hủy trong phút chốc những gì chúng ta đã xây đắp nhiều năm trong kiên nhẫn. Ở đây, chúng ta cần phải cầu xin ân sủng để biết làm thế nào để “triệt tiêu” nó: để ngăn chặn cái ác mà không cần phải nhổ cả lúa tốt, hay giả định mình là siêu nhân có thể bảo vệ những gì chỉ có Chúa mới bảo vệ nổi. Tất cả điều này sẽ giúp chúng ta không được mất cảnh giác trước những chiều sâu của sự gian ác, và trước sự nhạo báng của phường gian ác. Trong những trạng huống mệt mỏi, Chúa nói với chúng ta: “Hãy yên lòng! Ta đã thắng thế gian “(Jn 16:33).

Và cuối cùng – vì sợ anh em bị mệt mỏi bởi chính cái bài giảng này! – Có “sự mệt mỏi với chính mình” (cf. Evangelii Gaudium, 277). Điều này có thể là nguy hiểm nhất trong tất cả các dạng thức mệt mỏi. Đó là vì hai sự mệt mỏi trước phát xuất từ việc ra khỏi chính mình để xức dầu và săn sóc dân Chúa. Trái lại, sự mệt mỏi này có tính cách tự quy chiếu nhiều hơn: nó là sự thất vọng với chính mình, nhưng không phải thái độ của một người trực diện với chính mình và thành khẩn thừa nhận tội lỗi của mình và nhận ra nhu cầu cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa; những người như thế xin trợ giúp rồi sau đó tiến lên về phía trước. Ở đây, chúng ta đang nói về một sự mệt mỏi kết hợp giữa “muốn mà không muốn”, đã dám liều bỏ lại tất cả mọi thứ nhưng vẫn tiếp tục khao khát những củ hành củ tỏi của Ai Cập, và đùa giỡn với ảo giác được là những gì khác biệt. Tôi muốn gọi kiểu mệt mỏi này “tán tỉnh với tinh thần thế gian”. Trong thanh vắng, chúng ta nhận ra bao nhiêu lãnh vực của cuộc sống chúng ta đang chìm ngập trong thế gian này, nhiều đến mức chúng ta có thể cảm thấy chắc là chẳng bao giờ có thể tẩy sạch hoàn toàn. Đây có thể là một loại nguy hiểm của sự mệt mỏi. Sách Khải Huyền cho chúng ta thấy lý do của sự mệt mỏi này: “Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2:3-4) Chỉ có tình yêu đích thực cho chúng ta được ngơi nghỉ thực sự. Điều không ưa thích trở thành mệt mỏi, và theo thời gian, mang đến một sự mệt mỏi có hại.

Hình ảnh sâu sắc và huyền nhiệm nhất về cách thức mà Chúa đương đầu với sự mệt mỏi mục vụ của chúng ta là “khi yêu thương những kẻ thuộc về mình, Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13: 1): đó là cảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Tôi thích nghĩ về điều này như là việc thanh tẩy việc theo Chúa. Chúa thanh tẩy con đường của người môn đệ Ngài. Ngài “dính líu” với chúng ta (Evangelii Gaudium, 24), gánh lấy trách nhiệm cá nhân trong việc loại bỏ tất cả các vết nhơ, tất cả những cáu bẩn, khói bụi trần gian bám vào chúng ta trong cuộc hành trình chúng ta thực hiện vì Danh Ngài.

Từ chân chúng ta, chúng ta có thể nói phần còn lại của cơ thể mình đang như thế nào. Cách chúng ta theo Chúa cho thấy con tim chúng ta phát triển thế nào. Các vết thương trên chân của chúng ta, sự bong gân và mệt mỏi của chúng ta, là những dấu chỉ chúng ta đã đi theo Ngài ra sao trên con đường tìm kiếm những con chiên lạc và dẫn đắt đoàn chiên đến đồng cỏ xanh và vùng nước mát (cf. ibid., 270 ). Chúa tẩy rửa và làm sạch chúng ta khỏi tất cả các bụi bặm chồng chất nơi chân chúng ta trên những nẻo đường bước theo Ngài. Đây là một cái gì đó thiêng liêng. Đừng để chân của anh em đầy dơ bẩn. Chúa hôn và rửa sạch các bụi bặm từ lao động của chúng ta như những vết thương trên chiến trường.

Chính Chúa Giêsu thanh tẩy việc theo Ngài của chúng ta để chúng ta có thể cảm nhận đúng đắn “niềm hân hoan”, “sự viên mãn”, “sự tự do khỏi mọi sự sợ hãi và tội lỗi”, và thúc đẩy chúng ta đi “cho đến tận cùng trái đất, đến mỗi vùng ngoại vi”. Như thế, chúng ta có thể mang tin mừng đến cho những người bị bỏ rơi nhất, trong khi biết rằng “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.” Chúng ta hãy học cách trở nên mệt mỏi, nhưng mệt mỏi trong những phương thế tốt nhất! Amen

J.B. Đặng Minh An dịch
Nguồn: vietcatholic.org

Comments are closed.

phone-icon