Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô
trong Buổi Triều Yết Chung,
thứ Tư ngày 11-09-2013
Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em một ngày thật tốt đẹp!
Hôm nay chúng ta lấy lại loạt bài giáo lý về Giáo Hội trong Năm Đức Tin này. Trong các hình ảnh mà Công Đồng Vatican II đã chọn để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản tính của Giáo Hội, có hình ảnh của “người mẹ” : Giáo Hội là mẹ của chúng ta trong Đức Tin, trong đời sống siêu nhiên (xem Hiến chế Ánh sáng muôn dân, 6. 14. 15. 41. 42). Đó là một trong những hình ảnh được dùng nhiều nhất nơi các Giáo Phụ của Giáo Hội vào các thế kỷ đầu và Tôi nghĩ là điều này cũng giúp ích cho chúng ta. Đối với tôi đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất của Giáo Hội: Giáo Hội là mẹ! Theo nghĩa nào và trong cách thế nào Giáo hội là mẹ? Chúng ta khởi sự từ thực tại con người về vai trò là mẹ: người mẹ làm gì?
1. Trước hết, một người mẹ sinh con ra trong đời sống, cưu mang trong lòng dạ mình suốt 9 tháng người con riêng của mình và rồi sinh con ra cho con chào đời. Giáo hội hành động với chúng ta như vậy: Giáo hội sinh chúng ta trong Đức Tin, bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho người mẹ được phong phú, như với Đức Trinh Nữ Maria: Giáo hội và Đức Trinh Nữ Maria là những người mẹ, cả hai; điều nói về Giáo Hội, thì người ta cũng có thể nói về Đức Maria, và điều nói về Đức Maria, thì cũng có thể nói về Giáo Hội! Thật thế Đức Tin là một hành vi cá nhân: “Tôi tin“, tôi đáp trả cách cá nhân của tôi với Thiên Chúa là Đấng đã tỏ mình ra cho người ta biết và muốn đi vào trong tình bạn với tôi (xem Thông điệp Ánh sáng đức tin, số 39). Nhưng Đức Tin tôi nhận được từ những người khác, trong một gia đình, trong một cộng đoàn là những người dạy tôi nói tiếng “tôi tin“, “chúng tôi tin“. Một Kitô hữu không phải là một ốc đảo! Chúng ta không trở nên Kitô Hữu trong phòng thí nghiệm. Chúng ta không trở nên Kitô hữu tự chính mình và cùng với sức lực riêng của chúng ta, nhưng Đức Tin là một quà tặng, là một ơn huệ của Thiên Chúa được ban cho chúng ta trong Giáo hội và qua Giáo hội. Và Giáo hội ban cho chúng ta ơn đó. Và Giáo Hội ban cho chúng ta sự sống Đức Tin trong Bí tích Rửa tội : đó là lúc mà Giáo Hội làm chúng ta sinh ra như những con Thiên Chúa, là lúc mà Giáo Hội ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, Giáo Hội sinh ra chúng ta như người mẹ. Nếu anh chị em đến Giếng Rửa Tội tại Đền Thờ Thánh Gioan tại đồi Lateran (Roma), gần bên Tòa của Đức Giáo Hoàng, ở phía trong có một có một câu viết bằng tiếng Latin, nói đại cương như sau: “Ở đây sinh ra dân của một dòng giống Thiên Chúa, sinh ra từ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho nước này nên phong phú; Mẹ Giáo Hội sinh ra con cái của mình trong dòng nước này”. Điều này làm cho chúng ta hiểu một điều quan trọng: việc chúng ta là thành phần của Giáo Hội không phải là một điều bên ngoài và có tính cách hình thức, không là việc điền vào một tờ mẫu có sẵn mà người ta đưa cho chúng ta, nhưng là một hành vi bên trong và sống động; người ta không thuộc về Giáo Hội như là thuộc về một xã hội, thuộc về một đảng phái hoặc thuộc về bất cứ một tổ chức nào. Có mối dây liên hệ sống chết, như là mối dây người ta có với bà mẹ, bởi vì, như Thánh Augustinô xác quyết: “Giáo hội thực sự là mẹ của các Kitô hữu” (De moribus Ecclesiae, I, 30. 62-63: PL 32, 1336).
Chúng ta tự hỏi mình: tôi nhìn Giáo Hội như thế nào? Nếu tôi biết ơn với cha mẹ của tôi, vì các ngài ban cho chúng ta sự sống, thì tôi cũng biết ơn Giáo hội, vì Giáo hội đã sinh ra chúng ta trong Đức Tin qua Bí tích Rửa tội? Có được bao nhiêu người Kitô hữu nhớ tới ngày Rửa tội của mình? Tôi muốn đặt câu hỏi này với anh chị em, nhưng mỗi người hãy trả lời trong tâm trí của mình: Bao nhiêu người nhớ được ngày rửa tội của mình? Có mấy người đang giơ tay lên, nhưng biết bao nhiêu người không còn nhớ nữa! Nhưng ngày Rửa tội là ngày chúng ta sinh ra trong Giáo hội, ngày mà trong đó Mẹ Giáo hội của chúng ta đã sinh chúng ta ra! Và bây giờ tôi ra một bài làm, để về nhà anh chị em làm. Hôm nay khi anh chị em về nhà, anh em hãy đi tìm ngay để biết ngày Rửa tội của anh chị em là ngày nào nhá, và điều này là để mừng Phép Rửa tội, để cám ơn Chúa vì ơn huệ này. Anh chị em có làm không? Chúng ta hãy yêu mến Giáo hội như là chúng ta yêu thương mẹ ruột của chúng ta, cả khi biết các khuyết điểm của mẹ, nhưng khi nói về các khuyết điểm của người mẹ, chúng ta lại che giấu đi, chúng ta yêu cả các khuyết điểm đó nữa. Và Giáo Hội cũng có những khuyết điểm của mình: chúng ta yêu Giáo Hội như là người mẹ, chúng ta giúp Giáo Hội nên đẹp đẽ hơn, nên chính thực hơn, nên đúng ý Chúa hơn? Tôi gợi ra cho Anh Chị Em những câu hỏi này, nhưng Anh Chị Em đừng quên làm bài ở nhà: hãy đi tìm ngày rửa tội của mình để giữ lại trong lòng và để mừng ngày này.
2. Một người mẹ không giới hạn trong việc ban sự sống, mà với sự tận tình thật bao la còn giúp con cái của mình lớn lên, cho chúng sữa của mình để sống, nuôi nấng chúng, dạy con cái đường đời phải đi, luôn tháp tùng chúng với tất cả sự chú ý của mình, với tình thương của mình, với tình yêu của mình, và cả khi chúng đã khôn lớn. Và vì thế, bà cũng biết sửa lỗi con cái, tha thứ cho chúng, thông cảm với chúng, bà biết ở gần chúng khi chúng đau ốm, trong các đau khổ. Tắt một lời, một bà mẹ tốt lành giúp con cái ra khỏi chính mình, không để con cái ở lại cách an nhàn thư thái dưới cánh hiền mẫu, như gà mẹ ủ ấp gà con dưới cánh của gà mẹ. Giáo Hội như một bà mẹ nhân lành cũng làm y như vậy: bà tháp tùng việc chúng ta lớn lên khi trao ban Lời của Thiên Chúa, Lời này là ánh sáng chỉ cho chúng ta con đường đi của đời sống Kitô Hữu, Giáo Hội cử hành các Bí tích cho chúng ta. Giáo Hội nuôi dưỡng chúng ta với Thánh Thể, đem đến cho chúng ta ơn tha thứ của Thiên Chúa qua Bí Tích Giải Tội, Giáo Hội nâng đỡ chúng ta trong giây phút ốm đau qua Bí Tích Xức dầu Bệnh Nhân. Giáo Hội theo dõi chúng ta trong suốt cuộc sống Đức Tin của chúng ta, trong suốt đời sống Kitô Hữu của chúng ta. Vậy chúng ta có thể đưa ra cho mình những câu hỏi khác: tôi có mối quan hệ nào với Giáo Hội? Tôi có cảm thấy nơi Giáo Hội như là người mẹ giúp chúng ta lớn lên như là Kitô Hữu không? Tôi có tham dự vào đời sống của Giáo Hội không? Tôi có cảm thấy mình là thành phần của Giáo Hội không? Mối liên hệ của tôi với Giáo hội có mang tính cách hình thức hay sống động?
3. Một tư tưởng vắn tắt thứ 3. Trong các thế kỷ đầu của Giáo hội, một thực tại thật rõ ràng: Giáo hội, trong khi là mẹ các Kitô hữu, trong khi “làm ra” các Kitô hữu, thì cũng “được làm ra” do các Kitô hữu. Giáo hội không phải là điều gì khác với chính chúng ta, nhưng được nhìn như là toàn thể các người tin, như là cái toàn thể “chúng ta” từ các Kitô hữu: tôi, anh, bạn, tất cả chúng ta là thành phần của Giáo hội. Thánh Giêrôlimô viết: “Giáo hội của Đức Kitô không là gì khác nếu không phải là các linh hồn của những người tin vào Đức Kitô” (Tract. Ps 86: PL 26, 1084). Vậy tính mẫu tử của Giáo hội, tất cả chúng ta đều sống, là mục tử hay tín hữu. Nhiều lần tôi cảm thấy rằng: “Tôi tin Thiên Chúa, nhưng không tin Giáo hội . . . Tôi đã nghe Giáo Hội nói rằng . . . các linh mục nói rằng . . .”. Nhưng các linh mục là một đàng, nhưng Giáo hội không thành hình do các linh mục, Giáo hội là tất cả chúng ta. Và nếu bạn nói rằng bạn tin Thiên Chúa và bạn không tin Giáo hội, bạn đang nói rằng bạn không tin vào chính bạn nữa; và điều này là một điều mâu thuẫn. Giáo hội là chúng ta tất cả: từ một em bé mới được rửa tội, cho tới các Giám mục, Giáo hoàng; tất cả chúng ta là Giáo hội và tất cả chúng ta bằng nhau trước con mắt của Thiên Chúa! Tất cả chúng ta được kêu gọi để cộng tác vào việc sinh ra trong Đức Tin của các Kitô hữu mới, tất cả chúng ta được kêu gọi để trở nên thày dạy giáo dục Đức Tin, để loan báo Phúc Âm. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi chính mình: tôi làm gì để người khác có thể chia sẻ Đức Tin Kitô giáo? Tôi có được sự phong phú từ Đức Tin của tôi không hay tôi đóng kín trong tôi? Khi tôi lặp lại rằng tôi yêu mến Giáo hội một Giáo hội không đóng kín trong khuôn viên của mình, nhưng có khả năng đi ra, di chuyển, cả khi có những nguy hiểm để mang Đức Kitô đến cho mọi người, cho tôi, cho bạn, cho mọi Kitô hữu. Tất cả chúng ta tham dự vào tính mẫu tử của Giáo hội, để ánh sáng của Đức Kitô tới được các nơi tận cùng trái đất. Hoan hô Giáo hội Mẹ chí thánh!
*****
LỜI CHÀO ĐẶC BIỆT
Cha xin nồng nhiệt chào thăm các tín hữu hành hương nói tiếng Ý. Cha chào thăm các tín hữu vùng Acera cùng đi với Đức Tổng Giám mục của mình, Đức Cha Ricchiuti, đến kính viếng Ngai tòa Thánh Phêrô trong Năm Đức Tin.
Cha chào thăm các Nữ tu, đặc biệt các Nữ tu Phan Sinh Alcantara, đang cử hành Đại hội Tổng Tu nghị.
Cha chào thăm đại diện các binh chủng của quân đội.
Cha chào thăm các người trẻ của Giáo Phận Chiavari (Italia), có Giám Mục Giáo Phận, Đức Cha Tanasini cùng đi.
Cha chào thăm các Hiệp hội và các Nhóm thuộc các giáo xứ, đặc biệt các tín hữu hành hương của Giáo phận Piansano cùng với Đức Giám mục Giáo phận Viterbo, Đức Cha Fumagalli.
Với tất cả, Cha cầu chúc rằng cuộc hành hương bên Mộ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ sẽ giúp tăng sức mạnh cho Đức Tin và chứng tá Kitô Giáo!
Sau cùng Cha nghĩ tới các người trẻ, những bệnh nhân và các đôi tâan hôn. Ngài mai lễ nhớ Tên rất Thánh Đức Mẹ Maria. Chúng ta hãy kêu tên Mẹ để cảm nghiệm được sự ngọt ngào của tình yêu thương của Mẹ Thiên Chúa; chúng ta hãy cầu xin Mẹ, các bệnh nhân thân mến, nhất là trong lúc vác thập giá và đau khổ; chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, các đôi tân hôn thân mến, Mẹ như sao sáng soi chiếu hành trình hôn nhân của các con để luôn sống trong sự tận tụy và trung thành với nhau.
Dịch từ nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến ngày 11 tháng 09 năm 1023.
Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 12-09-2013