Đề tài Tĩnh tâm tháng 12.2014

0

Tĩnh tâm tháng 12/2014

DỌN ĐƯỜNG NỘI TÂM ĐÓN CHÚA

*****

Thưa Quý Bề trên và Chị em,

Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng của Niên Lịch Phụng vụ 2015. Mùa Vọng là mùa hồng ân, mùa của niềm vui và hy vọng, vì được gặp gỡ một Thiên Chúa làm người. Ngài đến trần gian để chung chia kiếp sống và đưa con người trở về với căn tính con Thiên Chúa nguyên thủy. Thánh Irênê đã xác quyết: “Ngôi Lời làm người, Con Thiên Chúa làm con loài người: chính là để cho loài người khi kết hợp với Ngôi Lời và lãnh nhận tử hệ thần linh, được trở nên con cái Thiên Chúa.”[1] Nhưng để chào đón Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng ta cần chuẩn bị những gì? Thánh Gioan Tẩy giả đã cho chúng ta câu trả lời, đó là: sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp những nẻo đường nội tâm, để lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra đón Chúa Cứu Thế.

Trong bầu khí thánh thiêng của Mùa Vọng, quý này, toàn thể Hội Dòng chúng ta tập trung vào sứ vụ Sống Chứng Nhân của Lời trong Bác ái Xã hội và điểm nhấn là xây dựng đời sống tâm linh. Thiết nghĩ, đây là thời gian thuận tiện để chúng ta dọn sẵn con đường nội tâm đón Chúa đến trong Mùa Giáng Sinh, và nhất là đón Chúa đến với chúng ta hàng ngày trên bước đường hiến dâng và phục vụ.

I. LỜI CHÚA: Chúa Nhật II Mùa Vọng B (Mc 1, 1-8)

1 Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa: 2 Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con.3 Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.

4 Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.5 Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.

6 Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng.7 Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.8 Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”

II. SUY NIỆM

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng thường nhắc đến hình ảnh của Gioan Tẩy Giả – vị ngôn sứ cuối cùng được Thiên Chúa tuyển chọn làm tiền hô của Đấng Cứu Thế. Chính Gioan là nhịp cầu thân thương để Đức Kitô đến gặp dân Ngài, và để dân Ngài đón nhận Đức Kitô. Gioan, “tiếng kêu trong sa mạc,” đang mời mỗi người chúng ta: Hãy dọn đường cho Chúa – Hãy sửa lối cho thẳng để Ngài đi (Mc 1,3). Nhưng hành vi “dọn đường” mà Gioan Tẩy giả muốn nhắm đến ở đây là gì? Phải chăng đó là việc dọn con đường nội tâm để Chúa đến với mỗi người, vì “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Lc 6,42). Tâm hồn thấm nhuần tinh thần thế gian hay thấm nhuần tinh thần Tin Mừng mới làm nên cái lõi giúp con người thay đổi đời sống cả trong lẫn ngoài. Hoán cải không chỉ là cố gắng diệt trừ thói xấu, bỏ đi việc ác, nhưng là hoán cải tấm lòng để mặc lấy Chúa Kitô (x. Rm 12,2; Gl 2,20). Trong tâm tình đó, ngày tĩnh tâm hôm nay, chúng ta cùng “dọn đường nội tâm đón Chúa” qua ba việc cụ thể là: cầu nguyện, khiêm nhường, và sống ngay thẳng chính trực.

1. Dọn đường nội tâm bằng cầu nguyện

Mở đầu Tin Mừng của mình Thánh Maccô dùng hình ảnh một Gioan Tẩy Giả đến loan báo việc dọn đường cho Đức Giêsu Kitô. Để nói lên tính cách thần thiêng đặc biệt của việc dọn đường ấy, thánh sử đã trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,… Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-4). Như vậy, muốn đón mừng Chúa đến, chúng ta phải dọn con đường nội tâm, con đường của sự sẵn sàng để Chúa đến với mình và để mình gặp gỡ Chúa với bất cứ giá nào qua cầu nguyện.

Tại sao cầu nguyện sẽ đưa chúng ta đến với Chúa và đưa Chúa đến với chúng ta? Như chúng ta đã biết, cầu nguyện là nói chuyện thân mật, chân tình với Chúa; là đàm đạo với Chúa như Môsê gặp Chúa trên núi Sinai (Xh 19, 3-6); như Abraham tiếp đón Chúa dưới bóng mát của cây sồi Mambrê (St 18, 1-10). Cầu nguyện cho chúng ta biết Chúa là ai và chúng ta là ai? Cầu nguyện mở cho chúng ta nhận ra ý Chúa muốn gì trên cuộc đời mình. Cầu nguyện còn thanh luyện con người, ý muốn và ý chí của chúng ta để đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, biết Ngài rõ hơn, và can đảm điều chỉnh lối sống để hợp với thánh ý Chúa hơn.

Đức Giêsu trong thời gian tại thế đã dùng con đường cầu nguyện để đến với Chúa Cha. Trình thuật Tin Mừng (Mc 1, 21-37) cho thấy dù bận rộn với việc giảng dạy, trừ quỷ, chữa bệnh…  nhưng Đức Giêsu không quên dậy sớm, đến nơi thanh vắng mà cầu nguyện. Sau bao nhiêu việc tốt đẹp Ngài làm cho dân chúng, danh tiếng Ngài đã lan đi thật xa, và người ta kéo đến với Ngài ngày một đông để nghe người giảng, xin chữa lành, hay xua trừ ma quỷ… Rao giảng, chữa lành, dạy dỗ là  những công việc thiết yếu và cấp bách cho sứ vụ của Ngài. Thế nhưng, giữa những bận rộn của sứ vụ, Đức Giêsu vẫn bỏ đám đông để lui vào nơi thanh vắng, bỏ công việc để đi gặp Chúa Cha. Và ngược lại, càng làm sứ vụ, Đức Giêsu càng cảm thấy cần cầu nguyện. Càng cầu nguyện, Đức Giêsu càng càng thấy mình sẵn sàng dấn thân hơn cho sứ vụ.

Như Đức Giêsu cần gặp Cha như thế nào, thì chúng ta—những môn đệ ngày nay cũng cần gặp Chúa Cha như vậy. Là người được Chúa Cha tuyển chọn để làm chứng nhân Tin Mừng, chúng ta được sai đi đến với mọi người, để chia sẻ cuộc sống, để phục vụ và đem bình an và niềm vui của Chúa đến cho họ. Nhưng việc loan báo Tin mừng, việc phục vụ anh chị em của chúng ta chỉ đem lại hoa trái và hoa trái đó chỉ thật sự bền vững, khi chúng ta, những tông đồ, luôn biết gắn kết với Chúa là Nguồn Mạch Tình Yêu và Sự Sống.

Trong Mùa Vọng này, mỗi chúng ta hãy cố gắng dọn con đường nội tâm để Chúa có thể đến với mình và mình có thể đến với Chúa. Con đường đó khởi đi từ cầu nguyện. Trên thực tế, mỗi lời kinh chúng ta đọc phải là một lời đối thoại thân thương với Thiên Chúa, và mỗi Thánh lễ chúng ta dâng phải là một cử hành sống động lễ Vượt Qua của chính Chúa Kitô mà chúng ta được diễm phúc cộng tác và kết hợp với Ngài. Bên cạnh đó, sau một ngày vất vả với sứ vụ, mỗi người chúng ta cần dành thì giờ ở bên Chúa, để tâm sự với Chúa và nghe Chúa tâm sự, để chúng ta được Chúa bồi dưỡng và tiếp sức.

2. Dọn đường nội tâm bằng khiêm nhường

Tin Mừng hôm nay đề cao hình ảnh Gioan Tẩy Giả và sứ vụ của ông trong việc chuẩn bị lòng dân đón Chúa. Giữa lúc dân Chúa mòn mỏi trông mong đấng cứu thế đến giải thoát họ khỏi ách đô hộ của ngoại bang, thì Gioan Tẩy giả đã xuất hiện với một tác phong và nếp sống đặc biệt, nên người ta cho rằng ông là đấng mà các tiên tri đã loan báo, là đấng dân Do Thái đợi trông. Một trong những lý do khiến dân chúng lũ lượt kéo đến để nghe Gioan giảng dạy và xin ơn tha tội qua phép rửa, là vì sự  khiêm nhường rất mực của ông. Gioan Tẩy giả khiêm tốn sống đời âm thầm trong hoang địa; ông sử dụng những thực phẩm thiên nhiên đạm bạc, dùng những trang phục giản dị đơn sơ; ông thành tâm nhìn nhận mình chỉ là “tiếng kêu trong hoang địa.” Với cung cách và nếp sống khiêm hạ mà Gioan Tẩy giả đã gặp được Chúa, được Chúa tuyển chọn trở thành người mở đường cho Đấng Cứu Thế.

Gioan Tẩy giả đã thật sự khiêm tốn khi so sánh bản thân với Đấng phải đến: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7). Tháo giầy, cởi dép là công việc và bổn phận thường ngày của người đầy tớ làm cho chủ, thế nhưng Gioan đã thấy mình thật không xứng đáng làm việc đó cho Đấng Cứu Thế. Gioan không bao giờ tìm cách đề cao mình hay rao giảng về mình, mà đối tượng và trung tâm của mọi hành vi, mọi cử chỉ và mọi lời nói của Gioan đều chỉ qui về Đức Giêsu, Đấng mà ông phải loan báo mà thôi. Thật vậy, trong mọi sự Gioan đã không tìm vinh quang cho bản thân, nhưng tất cả đều được dành cho Đức Giêsu. Đây là sự khiêm nhường đích thực, Gioan thực sự xóa mình ra không để Chúa lớn lên: “Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại” (x. Ga 3, 30).

Gương khiêm tốn của Gioan Tẩy giả là lời cật vấn cách sống của mỗi người chúng ta hôm nay. Là tu sĩ, những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và sai đi, chúng ta xác tín rằng sứ mạng của chúng ta là giới thiệu Chúa, giúp người khác nhận ra tình thương Chúa và đưa họ về với Ngài. Nhưng  nhiều lần trên bước đường sứ vụ, chúng ta đã quên đi căn tính này. Thay vì, “Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại,” chúng ta lại dồn mọi nỗ lực, mọi cố gắng vào việc làm cho bản thân trở thành vĩ đại, được chiêm ngưỡng và ái mộ, còn Thiên Chúa thì bị nhỏ đi, bị đặt bên lề cuộc sống của chúng ta và của mọi người. Thay vì giới thiệu Chúa, chúng ta lại vinh vang giới thiệu bản thân, giới thiệu cộng đoàn, giáo xứ mình… nên Chúa không đến được với chính chúng ta cũng như những người chúng ta được sai đến loan báo. Phải chăng đó là những đỉnh đồi kiêu ngạo mà Gioan Tẩy giả mời gọi chúng ta cần phải bạt xuống trong Mùa Vọng này.

3. Dọn đường nội tâm bằng cuộc sống ngay thẳng chính trực

Với những ai thành tâm muốn đón Chúa vào cuộc đời mình, Gioan Tẩy Giả yêu cầu: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 1,3). Quả vậy, khi chúng ta chuẩn bị tiếp đón một nhân vật quan trọng nào, việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến phải là chỉnh trang đường đi lối lại, dọn cửa dọn nhà cho tươm tất, sạch đẹp để đón khách quý. Cũng vậy, để đón tiếp Đức Giêsu vào tâm hồn, vào cuộc sống, chúng ta cũng cần sửa lại con đường nội tâm chúng ta cho ngay thẳng và đưa cuộc sống chúng ta vào nẻo đường chính trực.

Ngay thẳng chính trực là nét đặc trưng của người tu sĩ trưởng thành. Sống ngay thẳng trong suy nghĩ, lời nói và hành động còn trở thành điều kiện căn bản cho đời tu Đa Minh, với linh đạo sống theo Sự Thật. Tư cách của người nữ tu trưởng thành là tôn trọng sự thật, cả trong lời nói và hành động, trong suy nghĩ và nếp sống, vì “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9). Nguyên nhân chính biến chúng ta thành những con người quanh co, không ngay thẳng chính là do lòng ích kỷ, tham vọng muốn “phình to” bản ngã.[2] Chính thái độ ích kỷ và cái tôi cá nhân chủ nghĩa đã biến con đường đến với Chúa của chúng ta thành khúc khuỷu, gồ ghề, lắc léo và không thật. Lời Chúa hôm nay cật vấn chúng ta, thúc đẩy chúng ta kiểm xét lại con đường chúng ta đang đi xem chúng là đường ngay thẳng hay nẻo quanh co?

Nhìn vào hiện trạng của từng cá nhân cũng như cộng đoàn chúng ta hôm nay, chúng ta phải thành thật thừa nhận rằng, dù chúng ta đã cố gắng “dọn đường,” cố gắng “sửa đường Chúa cho ngay thẳng,” để đến được với Chúa và đến được với nhau. Thế nhưng, con đường của chúng ta vẫn còn đó những hố sâu chưa dám sống thật với chính mình, chưa thành tâm với chị em; vẫn còn đó những khúc quanh co của tinh thần vô trách nhiệm, của những lơ là trong bổn phận và sứ vụ. Con đường của chúng ta vẫn còn đó cái gồ ghề của những lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu bác ái, thiếu xây dựng, gây tổn thương cho chị em và cộng đoàn… Những ngọn đồi, những vực sâu, những khúc quanh gồ ghề ấy đã ngăn chặn khiến chúng ta không thể đến được với Chúa và cũng chẳng gặp gỡ được anh chị em. Vì thế, đây là lúc thuận tiện để mỗi người và mỗi cộng đoàn chúng ta cùng nhìn lại và đưa ra những giải pháp cụ thể để “dọn đường nội tâm đón Chúa.”

Lạy Chúa Giêsu, chúng con ý thức rằng “dọn đường nội tâm đón Chúa” không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con chưa dành cho Chúa chỗ nhất trong tâm hồn chúng con, chưa thật sự dành một cõi riêng cho Chúa trong cầu nguyện. Chúng con cũng chưa đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi và nhiều khiếm khuyết, chưa đủ can đảm bạt đi những tham vọng và nhu cầu giả tạo của mình. Xin Chúa đến ở với chúng con, thêm sức cho chúng con, giúp chúng con đủ sức mạnh và tình yêu để điều chỉnh lối sống, suy nghĩ, và hành động của mình hầu chúng con mở rộng đại lộ tâm hồn đón Chúa đến với chúng con từng ngày. Amen.

Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà

—————

[1] Thánh Irênê, Chống Lạc Giáo 3, 19, 1.

[2] Nguyễn. Chia Sẻ Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng B. Trích tại http://vietcatholic.org/

Comments are closed.

phone-icon