Sa mạc – Bài thuyết trình của Tập Sinh về Mùa Chay, Năm 2019

0

THUYẾT TRÌNH MÙA CHAY 2019

“Ta sẽ dẫn chúng vào sa mạc, lòng kề lòng, Ta thổ lộ tâm can” (Hs 2,16).

1. Ý nghĩa của sa mạc:

Khi nói đến sa mạc, chúng ta nghĩ ngay đến một miền đất hoang sơ, khô cằn, quạnh hiu đầy nắng và gió. Và như thế sa mạc là nơi khắc nghiệt, nơi cư ngụ của nhiều loài vật nguy hiểm, nơi thách thức sự sống của con người và nhiều loài sinh vật khác. Tuy nhiên, lại có một số ý kiến khác cho rằng: Sa mạc là nơi thanh vắng và tĩnh lặng, là một nơi lãng mạn và huyền bí. Nhiều người đến với sa mạc để tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn, để tâm giao, gặp gỡ với Thiên Chúa và khám phá ra sự thật nơi chính mình: Chẳng hạn như tổ phụ Abraham, Môsê, Êlia, hay chính Đức Giêsu và nhiều vị thánh ẩn tu khác. Tất cả các vị ấy đều đã từng trải qua những kinh nghiệm đi trong sa mạc. Và một số nhà chú giải Kinh Thánh cùng có cảm nghiệm chung rằng: “Nơi sa mạc họ khám phá ra sự thật của chính mình trong sự huyền nhiệm của Thiên Chúa”.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa như thế nào về sa mạc?

Sa mạc theo từ điển Tiếng Việt đó là sự kết hợp giữa hai từ: “sa” và “mạc”. Sa có nghĩa là cát; mạc có nghĩa là một khoảng đất trống rộng lớn. Như vậy sa mạc theo nghĩa thực là một bãi cát rộng lớn. Tuy nhiên khi nói đến sa mạc người ta không chỉ hiểu theo nghĩa thực mà còn mang một ý nghĩa biểu trưng để chỉ một nơi thanh vắng và tĩnh lặng.

Trong sự tĩnh lặng của sa mạc chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào của tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình như dân Israel xưa đã từng cảm nghiệm sa mạc chính là nơi họ gặp gỡ Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa đã mời gọi họ đến với Ngài: “Ta sẽ dẫn chúng vào sa mạc, lòng kề lòng, Ta thổ lộ tâm can”[1]. Sa mạc trở nên điểm hẹn tình yêu của Thiên Chúa đối với dân riêng của Ngài. Tuy nhiên, sa mạc cũng là nơi Thiên Chúa thử thách niềm tin, tình yêu và sự trung tín của họ đối với Ngài, nhất là qua biến cố Xuất Hành.

Xuất hành là một biến cố lên đường tiến về Đất Hứa ngang qua sa mạc của dân Israel diễn ra vào thế kỉ XIII TCN. Đó là một biến cố quan trọng trong lịch sử của dân Do Thái. Ngày nay, nhìn trên bản đồ của Israel, người ta có thể tiến thẳng vào Đất Hứa chỉ trong một vài tháng. Thế mà trong kế hoạch  thanh luyện Thiên Chúa đã để dân Israel phải đi vòng quanh, trong hoang mạc suốt 40 năm.

Vậy, Thiên Chúa có mục đích gì khi đưa dân Ngài vào sa mạc và để dân Ngài ở lại đó với thời gian 40 năm?

Thưa, vì dân mang trong mình quá nhiều lầm lỗi nên Thiên Chúa đã dùng cách thế này để thanh luyện họ. Ngài thanh luyện họ khỏi nếp sống cũ, giúp họ khỏi phải dính bén với “củ hành, củ tỏi” của Ai Cập, đẩy họ ra xa khỏi những cám dỗ về danh vọng và quyền lực để họ trở nên xứng đáng hơn trước khi tiến vào Đất Hứa.

Như dân Israel xưa, mùa Chay cũng chính là cuộc hành trình tiến vào sa mạc của mỗi người chúng ta. Mùa Chay như là một “sự thử thách, là một thời điểm để chuẩn bị trước cho một số điều tuyệt vời sẽ xảy đến. Bốn mươi ngày trong mùa Chay nhắc nhớ chúng ta nhớ về tinh thần sa mạc của dân Do Thái đã được ghi lại trong Kinh Thánh. Con số này có ý diễn tả một thời gian chờ đợi, tượng trưng cho việc chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là thời gian để chúng ta đón nhận ân sủng: 40 ngày trong biến cố lụt đại hồng thuỷ là để bắt đầu một tạo dựng mới; 40 năm dân Do Thái đi trong hoang địa để vào đất hứa; 40 ngày Môsê ở trên núi Sinai[2]; 40 ngày Giôna rao giảng sám hối ở Ninivê [3];  40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa đểbắt đầu  cho sứ vụ công khai của Ngài Giê-su và  40 ngày sau biến cố Thăng Thiên để chúng ta bắt đầu một kỷ nguyên mới của Giáo Hội.

Vâng, đó chính là thời gian ân sủng nhưng để có thể đón nhận ân sủng đó Chúa mời gọi chúng ta hãy bước vào sa mạc của cõi lòng để nhìn nhận con người thật của chính mình với đầy những yếu đuối và thiếu xót. Chính vì thế khi bước đi trong sa mạc chúng ta phải đối diện với nhiều thách đố. 

Vậy làm thế nào chúng ta có thể đối diện với những thách đố ấy? Chúng ta nhìn vào gương của Chúa Giê su để xem kinh nghiệm của Ngài khi bước đi trong sa mach với điểm thứ hai:

2. Kinh nghiệm của Chúa Giêsu trong sa mạc

Sa mạc là một  nơi hấp dẫn nhưng sống trong sa mạc là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm và đầy gian truân, bởi vì sa mạc là một nơi gồm những hoang mạc đất đai khô cằn, sa mạc rất khắc nghiệt ngày gió nóng, đêm giá lạnh ban ngày nhiệt độ lên tới 580C  nhưng ban đêm nhiệt độ giảm xuống (- 450C). Và như thế khi bước đi trong sa mạc chúng ta sẽ dễ dàng cảm thấy mệt mỏi vì đói và khát. Đó là những thử thách bên ngoài. Còn những thách đố bên trong đó là gì?

Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được Thần khí thúc đẩy rút lui vào hoang địa.  Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện Chúa Giêsu cảm thấy đói và Satan xuất hiện để cám dỗ Người:“Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy biến hòn đá này thành bánh đi”. Ma quỷ muốn đẩy Người đến chỗ làm nô lệ cho xác thịt với những dục vọng tầm thường. Nhưng Đức Giêsu đáp: “Người ta sống không nhờ bởi cơm bánh nhưng bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

Sau đó, ma quỷ đưa Người lên đỉnh núi cao: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì ông hãy gieo mình xuống đi, vì sẽ có các Thiên Thần nâng đỡ ông”.

Trong niềm tín thác Chúa Giêsu đáp lại chúng: “Ngươi  chớ có thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” để khẳng định niềm tin của Ngài nơi Thiên Chúa Cha.

Cuối cùng Satan nói:“Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông tất cả”. Thờ lạy Satan tức là bán linh hồn cho ác quỷ để mua lấy vinh hoa phú quý đó là tiền, tài, tình, danh lợi thú và như thế chúng ta hoàn toàn thuộc về Satan. Nhưng Đức Giêsu đáp lại:“Hãy lui ra hỡi satan! Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”[4].

Vâng, 3 cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu khi ấy cũng là thách đố của chúng ta trong hiện tại. Ba lời khuyên phúc âm, là một trong những thử thách đầu tiên, vì từ đây chúng ta phải bắt đầu chiến đấu với ba thù bằng cách “lội ngược dòng” để làm chứng cho thế giới thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian. Satan thì như sử tử rảo quanh tìm mồi cắn xé, còn chúng ta như những chú chiên non đang ngơ ngác giữa cánh rừng thế gian. Chúng ta không đơn giản chỉ đối đầu với một mình Satan nhưng bên cạnh nó còn 2 đồng minh là thế gian và xác thịt.

Xác thịt nhằm điều khiển thân xác. Xác thịt thì cám dỗ từ bên trong. Xác thịt thường lôi kéo ta đến với sự dữ, xa rời điều lành và theo đuổi sự ích kỉ của bản thân làm ta xao nhãng tình yêu đối với Thiên Chúa. Như Thánh Phao lô nói: “Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”[5]

Thế gian nhằm chế ngự cả tinh thần lẫn thể xác. Thế gian là những cám dỗ từ bên ngoài. Thế gian là con đường rộng trơn tru, không có gian khổ đầy những hoa thơm cỏ lạ. Nếu chấp nhận làm bạn với nó thì ta không phải chiến đấu gì cả.

Cám dỗ của thế gian và xác thịt được diễn tả trong thư thứ nhất của thánh Gioan Tông đồ như sau: Mọi sự trong thế gian như: dục vọng của xác thịt, dục vọng của đôi mắt, thói cậy mình có của tất cả những thứ đó  không thuộc về Chúa Cha nhưng thuộc về Satan[6]

Mùa Chay cũng được gọi là thời gian tập chiến đấu thiêng liêng vì thế mỗi người chúng ta cũng phải tỉnh thức chiến đấu không ngừng. Như Chúa Giêsu phải chiến đấu với tên cám dỗ trong hoang địa, mỗi người cũng phải chiến đấu với ba thù: ma quỷ, thế gian, xác thịt. Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta ba chiến thuật: Cầu nguyện, ăn chay, bố thí để chiến đấu. Chúng ta cũng dùng ba phương thế của Thánh Phêrô: tiết độ, tỉnh thức, vững tin nơi Chúa mà xông pha vào trận chiến.

Thật vậy, chúng ta không thể tự mình chiên đấu với 3 thù ( vì 3 trọi 1 không trột cũng què) nhưng chúng ta chỉ có thể chiến đấu với chúng bằng lời cầu nguyện vì chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điều này khi Ngài phải chiến đấu quyết liệt khi đứng trước “Chén Đắng”.

Trong vườn Cây Dầu, tâm hồn Chúa Giêsu trở nên xao xuyến, vì Người đã nhìn thấy nỗi cô đơn, sự đau khổ trong “Giờ” của Người. Trong bóng tối của sự dữ, Người đã phải chiến đấu với chính mình – một cuộc chiến nội tâm đã xâu xé làm cho tâm hồn Người tan nát, đến độ Người đã đổ ra những giọt mồ hôi máu …Và Ngài đã xao xuyến trước cơn cám dỗ ấy, đến độ phải thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này…”

Tuy nhiên, sau khi cầu nguyện Ngài đã tìm lại được một niềm vui, một sự bình an nội tâm. Mặc dù nỗi đau vẫn con đấy nhưng tâm hồn Ngài ngập tràn bình an. Chúa Giêsu đã đi vào vườn Giêtsêmani trong bóng tối, nhưng khi trở ra, Ngài đã bước đi trong ánh sáng với sự bình an trong tâm hồn vì đã hoàn toàn sẵn sàng vâng theo thánh ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống, thì con xin vâng ý Cha”[7]

Theo chân Chúa, chúng ta cũng được mời gọi đi vào sa mạc nội tâm, để cùng được sống những kinh nghiệm “sa mạc” với Ngài. Vì Chúa muốn chúng ta cùng thông phần đau khổ với Ngài trong khi Ngài chịu cám dỗ trong hoang địa, trong vườn cây dầu và trên cây thập giá. Trong sự thinh lặng của cõi lòng, chúng ta có cảm nhận được tình yêu vô biên của Chúa đã dành cho chúng ta? Chúa là Đấng vẹn sạch tinh tuyền không tỳ vết, nhưng Ngài đã chấp nhận cái chết thương đau và ô nhục nhất trong lịch sử nhân loại. Vì yêu thương chúng ta nên Ngài chấp nhận rời bỏ Ngôi vị Thiên Chúa để xuống thế làm người. Cũng chỉ vì yêu chúng ta, Ngài đã hy sinh chính thân mình và chịu chết treo thân trên Thập Giá.

Chúa đã yêu thương chúng ta, Ngài chấp nhận cái chết khổ nhục để chúng ta được sống vinh quang với danh hiệu là con cái Thiên Chúa. Vậy cái chết của Chúa, giờ phút này còn đọng lại trong tâm hồn chúng ta điều gì?

Phải chăng là một chút  xót xa thương cảm?

Một tâm tình hối lỗi ăn năn sâu lắng và muốn xin Chúa giúp chúng ta quay gót trở về ?

3.“Sa  mạc” – con đường trở lại bến yêu thương

Cuộc sống có lối đi lối về và người ta thường nói: “ Đi để trở về”. Câu nói này dường như đã trở thành một quy luật vì trong cuộc sống ai đi xa mà không muốn về nhà. Ai đi xa mà chưa một lần vấp ngã, ai nên khôn mà chưa dại  đôi lần. Điều đó cho thấy chúng ta vốn mang thân phận yếu đuối và bất toàn. Tuy nghiên, Chúa không đòi hỏi ta phải hoàn hảo nhưng Ngài muốn chúng ta phải can đảm đứng lên để bắt đầu lại. Trong đời sống dâng hiến cũng thế, có những lúc vì lí do nào đó ta đã sa chân, trật bước đi trong con đường tội lỗi và hơn một lần chúng ta đã cảm nhận được sức ta phá do tội lỗi gây ra.Vì thế, chúng ta cần trở về để tìm lại sự bình an trong tâm hồn.

Vậy chúng ta cần trở về với ai?

Chúng ta cần trở về với Chúa vì Chúa chính là nguồn mạch ân sủng và bình an.

Chúng ta cần trở về với tha nhân vì tha nhân chính là cầu nối chúng ta đến gần Chúa.

Chúng ta cần trở về với bản thân và tâm hồn chúng ta chính là đền thờ của Thiên Chúa.

Và chúng ta cần  trở về bằng cách nào?

Trong thông điệp Mùa Chay năm 2016 ĐTC Phanxicô nói: “ Chúng ta hãy trở về với trọn cả tâm hồn”. Hãy trở về trong thinh lặng của cõi lòng để nghe tiếng thổn thức của Chúa trong sâu lắng và cầu nguyện. Trở về với trọn cả tâm hồn là con đường cứu rỗi  ngắn nhất mà Chúa Giêsu loan báo cho những ai khao khát gặp gỡ Ngài. Vì vậy chúng ta đừng ngại trở về vì đó là con đường Chúa đã đi qua và Ngài đang mời gọi chúng ta bước tới.

Chúng ta đang sống trong mùa chay thánh, mùa của sám hối, mùa trở về. Trở về để cùng Chúa bước đi trên con đường thập giá.

Trên đường Thập Giá rảo mắt nhìn quanh, ta chợt nhận ra những gương mặt quen thuộc đã làm nên cái chết của Đức Kitô. Đây là Giuđa – kẻ phản bội, đã bán Chúa với giá 30 đồng bạc. Đây là Philatô, một kẻ nhát nhát đảm – sẵn sàng vứt bỏ công lí chỉ vì sợ mất đi chiếc ghế danh quyền.

Những tay lính tráng bạo tàn, chúng đáng giáng những roi đòn thật mạnh lên thân thể Chúa đến nỗi những tia máu tóe ra như nước.

Nhìn lên Thập giá, nhìn vào thân thể bầm dập của Chúa với những giọt máu đang lặng lẽ rơi. Ta có nhận ra được chính bản thân mỗi người chúng ta cũng là một tội nhân gây nên cái chết của Chúa không?

Tôi có thấy mình trong tương quan với Chúa hôm nay, tôi có thấy mình vừa là Philatô nhát đảm, vừa là vừa là Giuđa phản bội không? Hay tôi đang là một tay sai tàn nhẫn của bọn lính Rôma.

Trước nhan Thiên Chúa chúng ta chỉ là tội nhân mà Thánh Gioan Tông Đồ đã nói về thân phận tội lỗi của chúng ta: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, là chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”[8]. Vì thế, chúng ta cần khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình và tỏ lòng ăn năn sám hối. Như ông Gióp xưa, khi ông ý thức thân phận tội lỗi của mình nên ông nói: “Trên thân phận bụi tro, con sấp mình sám hối ăn năn[9]. Ông đã nhận ra kiếp người mong manh vắn vỏi, và mình chỉ là hạt bụi giữa một vũ trụ bao la. Chính vì thế mà khởi đầu Mùa Chay Giáo Hội đã long trọng cử hành nghi thức tro trên đầu để lời nhắc thân phận tro bụi của chúng ta mà thôi. Ngoài ra việc xức tro trên đầu cũng là lời mời gọi chúng ta hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng.

Vâng, cuộc sống không ngừng đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại quá khứ không phải để u sầu trong tuyệt vọng nhưng nhìn về quá khứ để quyết tâm đứng dạy và làm lại cuộc đời như vị tông đồ trưởng Phêrô đã làm lại cuộc đời sau ba lần chối Chúa. Sau ba tiếng gà, ngài đã chợt bừng tỉnh. Không phải do tiếng gà nhưng vì Phêrô đã nhớ lại Lời Chúa phán trước đó, cùng với ánh nhìn yêu thương, tha thứ của Chúa đã chạm vào chiều sâu nội tâm của ngài.

Đó còn là một Saolô đã hăng hái tìm bắt những người tin Chúa. Nhưng qua biến cố ngã ngựa trên đường Đa-mát, ngài đã được dẫn vào sa mạc của sự tăm tối suốt ba ngày. Sau đó, ngài đã được chữa lành cả về thể xác lẫn tâm hồn. Trong sa mạc tăm tối,  Chúa đã biến đổi tâm hồn Saolô đang cứ cỏi bỗng trở nên mềm mại. Đang hung hăng bỗng trở nên hiền lành. Đang chống đối bỗng trở nên kính mến. Đang thù ghét bỗng trở nên tin tưởng. Chúa đã biến đổi Saolô xông xáo đi tìm bắt Chúa thành tông đồ Phaolô, nhiệt thành rao giảng Tin mừng cho dân ngoại.

Tâm hồn các Ngài bỗng trở nên nhanh chóng như thế không phải do tự sức và ý chí của con người nhưng là nhờ ơn Chúa.

Qua gương trở lại của hai vị Thánh tông đồ cả Phêrô và Phao lô tiêu biểu cho sức mạnh của lòng ăn năn sám hối và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Lời mời gọi trở về của Chúa không dừng lại ở một vài người nào đó nhưng lời mời gọi về ấy Chúa dành cho tất cả chúng ta.

Trở về để cùng Chúa bước lên đỉnh đồi Canvê. Trở về để cảm nếm nỗi đau ê chề của kẻ thất bại. Trở về để ta được sống lại cùng với Đấng Phục Sinh. Trở về để ta đón nhận hồng ân tuân trào từ lòng Chúa xót thương.

Trên hành trình trở về, mỗi người sẽ có những cảm nghiệm rất riêng. Có người cảm thấy con đường trở về sao cô đơn buồn tẻ vì họ vẫn cứ đơn lẻ bước đi một mình. Nhưng người khác lại cảm nhân đường về hôm nay không còn u sầu ảm đạm mà tâm hồn họ lại vui sướng hoan ca vì họ đã tìm thấy ánh sáng dẫn về nhà Cha.

Lớp Tập sinh 2019

……………………………………………………..
[1] Hs 2,16
[2] x. Xh 24,18;34,28
[3] x.Gn 3,1-10
[4] Lc 4, 8
[5] Rm 7,19
[6]1Ga 2,16.
[7] Mt 26, 42
[8] 1Ga 2, 8-9
[9] G 42,6

Comments are closed.

phone-icon