Bức tranh xã hội hôm nay đang hiện lên cho chúng ta thấy vẻ phong phú, sinh động của một thế giới đầy màu sắc. Nhưng cũng đang phô diễn những đường nét tương phản đến rạn nứt của những chủ thể con người.
Cái gọi là văn hóa hưởng thụ đang từng giờ từng phút đẩy con người ta vào những nhu cầu của chính mình. Người ta cần tiền bạc, cần học giỏi, cần có địa vị… và những nhu cầu đó ngày càng lớn, bức bách và xoáy hút đến độ không còn chọn lựa nào khác. Trong khi tôn giáo thì vẫn còn đó như một nỗi khát tâm linh và mạch ngầm niềm tin vẫn đang chuyển trong vận hành của thế giới tất bật này. Liệu đây có phải là cuộc chạy đua cân sức? Và hơn nữa đâu là chỗ đứng của niềm tin trong thế giới của chúng ta? Một thế giới đã được biến đổi nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu, nhưng chưa hoàn toàn thuộc về Ngài.
1. Không Có Ơn Cứu Độ Nào Khác Ngoài Chúa Kitô.
Trong nghi thức thắp nến đêm vọng Phục sinh, Giáo Hội tuyên xưng: “Đức Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai, nguyên thủy và cùng tận… Ngài là Chúa của thời gian… Alpha và Omega”. Lời tuyên xưng này đưa chúng ta trở về với cội rễ của niềm tin, với Kinh Tin Kính của các tông đồ: Đức Giêsu Kitô là Chúa. Và vì vậy, chỉ có Ngài mới là Chúa của thời gian, là trung tâm của lịch sử và là chủ vận mạng con người.
Lý do cuộc khủng hoảng niềm tin hôm nay là bởi chúng ta đã không nhận ra được con người cần ơn cứu độ, hay nói mạnh mẽ hơn theo lối nhìn của lịch sử ơn cứu độ: Chúng ta đã không hiểu được làm sao tất cả ý nghĩa của con người chỉ là để được lãnh nhận ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Và làm sao Thiên Chúa của chúng ta chỉ là Thiên Chúa cứu độ mà thôi.
Thực sự trong những bước đầu của thiên niên kỷ mới này, niềm xác tín Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất dường như đã phải cạnh tranh với qúa nhiều những khái niệm “Cứu độ’ khác. Con người đón nhận những ban phát của xã hội, hưởng nền an sinh xã hội ngày càng cao với những trang bị và bảo đảm nhu cầu đến tận răng, thì còn thiếu gì để mà mơ ước, còn cần gì để mà cứu độ.
Tuy nhiên, trở về với nỗi khát tâm linh, đối diện với những khoảng trống không chi có thể bù đắp, bó tay nhìn biết bao ước vọng không thể thực hiện, và cả những gánh nặng dù đã gồng hết sức mà vẫn không thể vượt qua, chúng ta mới thấm thía thế nào là giới hạn của phận người: Mỏng dòn yếu đuối và tội lỗi. Kitô giáo nói với chúng ta rằng chỉ có Thiên Chúa, Đấng tình yêu và quyền năng tuyệt đối mới có thể vượt qua mọi rào cản, mới có thể giải quyết được các vấn đề nhân sinh và làm cho nó có ý nghĩa. “Đời sống tâm linh (Chiều kích Thần trí trong cơ cấu nhân học sémite) mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, chính là mối tương quan cứu độ” (KVCNNN, Nguyễn Trọng Viễn).
Khám phá ra cánh cửa rộng mở đón ơn cứu độ trong cuộc sống con người hôm nay qủa là một công việc không đơn giản chút nào, nhưng dù sao chúng ta không được phép thất vọng, mà phải bắt đầu thực hiện ngay. Có điều là chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu trong cái bề bộn qúa tải của một xã hội đầy những khâu tiếp thị, mẫu mã và quảng cáo này? Làm sao để nhận ra đâu là nhu cầu thiết yếu nhất trong nỗi khát tâm linh của chính mình và của các anh chị em mình, để có thể đáp ứng những trợ giúp kịp thời, hầu cho đời sống đức tin mỗi ngày vươn lên tầm vóc viên mãn như Chúa mong muốn.
Sống niềm tin trong thế giới phục sinh ngày càng giúp chúng ta hiểu: Tầm quan trọng bậc nhất của những điều phải làm là mở ra. Một thái độ đơn sơ chân thành, một tâm hồn bé nhỏ, nghèo khó sẽ dễ dàng lãnh nhận ơn cứu độ và có khả năng đi vào tương quan tình yêu đích thực với Đấng chẳng đòi hỏi gì khác ngoài niềm tin.
2. Đức Kitô đã phục sinh vì tôi và cho tôi.
Tất cả chìa khóa của triết học Hy lạp là “lý trí”. Dùng lý trí để hiểu và cố gắng sống theo.
Nhưng trong thế giới phục sinh của Đức Kitô, chiếc chìa khóa ấy là “Niềm tin”. Tôi tuyên xưng Chúa đã chết đi, tôi tuyên xưng ngài đã sống lại, trong vinh quang mai Ngài lại đến…
Đức Kitô đã sống lại! Các tông đồ la hoảng vì tưởng mình thấy ma (Lc 24,37). Chẳng bao lâu từng trăm ngàn tín hữu đã cùng hát lên khúc khải hoàn. Đức Kitô trở nên trung tâm cho mọi cuộc hội họp, cho mọi cuộc rao giảng của họ, và cho cả lòng can đảm dám chấp nhận cái chết của họ như một chứng từ của niềm tin. Việc mong chờ ngày quang lâm với hình ảnh Đức Giêsu lên trời dẫn theo đám tù binh, luôn sống động trong ý thức Giáo hội sơ khai. Với họ, Đức Kitô Phục sinh là tất cả; “Đức Kitô đã chết và phục sinh cho anh em” (Rm 5,4).
Nếu đau khổ là con đường hầm mà Người chấp nhận đi qua theo ý Cha, thì phục sinh mới là đích nhắm của Người, để cho đàn em đông đảo được bước vào sự sống mới. Đức Giêsu không bao giờ sống lại chỉ để lên trời như thể vừa thoát qua món nợ. Ngài sống lại vì nỗi chờ mong của các môn đệ, của Mađalenna đang khóc bên mồ, của vận mạng toàn nhân loại đang ở trong tay Ngài. Ý nghĩa lớn lao nhất đối với chúng ta là ở chỗ đó.
Đức Kitô đã phục sinh cho tôi, cho chúng ta, đó mới là thứ Tin Mừng cần la lên, cần rao loan cho mọi người bằng hết cảm nghiệm của mình. Cuộc sống không còn là ngục tù, đau khổ không còn là thảm họa và chết chóc không còn quyền hành nữa. Từ nay trong thế giới của Đấng Phục sinh, tôi sống, tôi làm việc, học hành, tôi chuyên chăm tu thân tích đức, tôi rao giảng… tất cả trong niềm hy vọng: Đức Kitô lại đến.
Sr. Lucia Xuân Trang